Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghi can cắt ghép ghi âm, tung tin giả sẽ đối diện mức án nào?

Thứ Sáu, 08/10/2021 09:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vừa qua, trên trang Facebook (theo Công an tỉnh An Giang, chủ tài khoản ở nước ngoài, chuyên chống phá Đảng, Nhà nước) có tên Hoàng Dũng phát tán đoạn ghi âm cuộc điện thoại được cho là của Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang với một cán bộ hưu trí.

Đồng thời, người này bình luận cho rằng có sự không thống nhất trong công tác chỉ đạo chống dịch giữa Đại tá Đinh Văn Nơi với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh khi cho rằng ông Bình không muốn đón người về tự phát từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… vào tỉnh, còn Đại tá Nơi thì ủng hộ.

Theo Đại tá Nơi, file ghi âm này đã bị cắt ghép và nội dung bình luận của trang Facebook Hoàng Dũng (nghi can Hoàng Văn Dũng, SN 1979, hiện định cư ở Mỹ) nhằm chia rẽ nội bộ, gây nghi kỵ, mất đoàn kết giữa công an tỉnh với cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó lộ rõ ý đồ chống phá công tác phòng, chống dịch tại tỉnh An Giang.

Nội dung Facebooker Hoàng Dũng đưa lên mạng được Công an tỉnh An Giang xác định là sai sự thật

Thực tế, từ đêm 30/9 đến nay, sau khi nhận được thông tin người dân từ TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận sẽ về An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập Ban Tổ chức đón tiếp, đồng thời phân công Đại tá Đinh Văn Nơi làm Phó trưởng ban để đón tiếp, bảo đảm an toàn cho công dân.

Nhiều bạn đọc nêu câu hỏi: Với hành vi cùng động cơ thực hiện, nghi can cắt ghép ghi âm sẽ đối diện hình phạt nào?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Thị Thu Nga, Công ty Luật TNHH Trường Sơn cho biết, quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ xác minh động cơ, mục đích của việc thực hiện hành vi cắt ghép, xuyên tạc nội dung ghi âm rồi lan truyền trên mạng xã hội cũng như đánh giá hậu quả mà hành vi đó gây ra với uy tín, danh dự của người khác. Tùy thuộc vào các yếu tố này, cơ quan chức năng sẽ đưa ra hình thức xử lý phù hợp đối với các nghi can.

Dưới góc độ hành chính, theo Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Trường hợp hành vi có yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, cơ quan chức năng có thể xem xét các tội danh sau:

Nếu mục đích của hành vi là xúc phạm, hạ thấp danh dự, uy tín của Đại tá Đinh Văn Nơi cũng như lãnh đạo tỉnh An Giang, nghi can có thể bị xử lý hình sự về tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Khung hình phạt cơ bản là phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.

Khung hình phạt tăng nặng (Khoản 2) có mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, được áp dụng đối với các trường hợp phạm tội đối với người đang thi hành công vụ và sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, tình tiết định khung áp dụng là 01 năm đến 03 năm tù.

Trường hợp hành vi có động cơ nhằm chống phá chính quyền, kích động, gây hoang mang dư luận, làm mất an ninh trật tự thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Khung hình phạt được áp dụng là phạt tù 5-12 năm. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 10-20 năm.

Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng xác định việc cắt ghép không nhằm xúc phạm Đại tá Nơi hay chống chính quyền, người vi phạm có thể bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật gia Lê Thị Thu Nga nhận định cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác nhau theo trình tự tố tụng bao gồm khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hỏi cung, lấy lời khai của những người tham gia tố tụng khác, đối chất, nhận dạng, khám xét, thu giữ vật chứng, tài liệu…Tất cả các bước này nhằm làm rõ sự thật của vụ án và nhằm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Với trường hợp nghi can đang ở nước ngoài, tại Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, dù cho người này có quốc tịch Việt Nam hay không, nếu không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đồng thời, để xử lý tội phạm đang ở nước ngoài sẽ thông qua Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước sở tại, trên nguyên tắc việc dẫn độ tội phạm giữa hai nước phải bảo đảm phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiệp định này./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN