Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của đồng bào Khmer

Thứ Ba, 25/10/2022 11:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong đời sống văn hóa đồng bào Khmer, tỉnh Trà Vinh nghệ thuật Chầm riêng Chà pây loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc có lịch sử hàng trăm năm, gắn bó với đời sống tinh thần người Khmer, thường biểu diễn sau những ngày làm nương, ruộng đồng vất vả của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây đã xuất hiện từ rất lâu, Chầm riêng có nghĩa là ca hát, Chà pây là đàn Chà pây, cụm từ Chầm riêng Chà pây là "đàn ca" hay "ca kể chuyện" - loại hình nghệ thuật diễn xướng, đàn và hát dân gian, có nguồn gốc lâu đời từng được phát triển mạnh trong cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh vào những thập niên đầu thế kỷ XX.

Nhạc cụ Chà pây được dùng trong nhạc lễ nhạc cưới và cúng tế thần, sử dụng cho hát múa A day, đối đáp, song ca. Người nghệ nhân chơi đàn dựa vào các cốt truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, thường là thể thơ 4 câu mỗi câu 7 chữ để hát, sau mỗi đoạn thơ lại khải đàn chà pây một câu nhạc đệm, để mô tả về cuộc sống hay tâm trạng mong ước của con người, có ý nghĩa giáo dục. Ngoài một số bài cơ bản, nghệ thuật dân gian này phát triển đa dạng về nội dung và phong cách biểu diễn trong nhiều không gian, thời gian khác nhau, không bị ràng buộc theo một quy định nào. 

 Nghệ nhân Thạch Kênh, xã Tân Hiệp, Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh biểu diễn Chầm riêng Chà pây.

Người nghệ nhân hát xong một đoạn truyện có khi kéo dài tới suốt đêm, ngoài ra Chầm riêng Chà pây có khi là những khổ thơ kể về tâm trạng hay một tình huống nào đó trong cuộc sống. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, điệu thức Chầm riêng Chà pây gồm: Phát chây, phát chây cớt, som phôn, som phôn cớt, ang kô reach chơn prây srây, ang kô reach chơn prây rốs.

Điểm khác biệt của nghệ thuật này là không phải vừa đàn vừa hát như nhiều loại hình biểu diễn khác mà nghệ nhân hát không nhạc một đoạn và dừng lại gảy đàn rồi mới hát tiếp. Lời hát do nghệ nhân tự ứng tác, thể hiện theo phong cách biểu diễn riêng của từng nghệ nhân, bởi vậy từ khúc nhạc dạo, câu nhạc đệm, cách luyến láy và khúc nhạc, giọng điệu của mỗi người diễn tạo lên sắc thái và phong cách riêng. Đây chính là đặc điểm riêng tạo ra sự đa dạng và phong phú trong phong cách diễn của môn nghệ thuật dân gian này.

Đàn Chà pây là nhạc cụ sử dụng trong môn nghệ thuật này, đàn có hình dáng chiếc lá bồ đề, cần đàn dài, 4 góc thùng đàn cắt tròn, chế tác từ gỗ cây lành canh hoặc cây mít. Đàn gồm 12 phím đàn theo hệ thống thang âm ngũ cung. Cần đàn lại được làm từ gỗ cứng dài khoảng 120 cm, gắn 12 phím đàn, ngọn cần đàn uốn cong, chạm trổ hoa đẹp mắt. Dây đàn có 2 dây một to một nhỏ, được làm bằng tơ se lại, hoặc bằng dây ny-lon. Hai dây buông cách nhau quãng 5 đúng.

Đàn chà pây có âm thanh trầm ấm, sâu lắng, phù hợp với những thể loại nhạc tự sự, tình cảm êm đềm, lắng đọng. Đàn Chà pây và khả năng ứng tác của nghệ nhân diễn cùng sự chắt lọc tinh hoa qua thời gian dài biểu diễn, đã tạo lên Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây độc đáo. Năm 2013, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.

N.Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN