Nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan
(ĐCSVN) - Cùng với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của Bắc Giang như làng gốm Thổ Hà, làng nghề nấu rượu Vạn Vân, làng nghề bánh đa Kế… làng nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan ở vùng núi Lục Sơn, huyện Lục Nam đã và đang góp phần tô điểm cho truyền thống văn hóa của xứ Bắc.
Nghệ nhân Trạc Thị Ngọn đang dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Cao Lan. |
Bản Khe Nghè vốn là nơi xuất xứ của nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan. Từ đây, nghề đã được lan truyền sang một số bản làng bên cạnh. Nghề dệt vải nơi đây đã từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người Cao Lan, trang phục truyền thống của dân tộc được coi là một nguồn tài sản quan trọng, có giá trị nhất định trong việc phân định giàu nghèo. Việc dệt may chủ yếu do người phụ nữ đảm nhận, họ tự tay dệt vải để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình… và làm hàng hóa để trao đổi mua bán trong những phiên chợ…
Trước sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội mới, nhiều yếu tố văn hóa cổ truyền của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã không còn giữ được. Nghề dệt và khâu may trang phục của người Cao Lan cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Kể từ năm 1996, nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan ở vùng rẻo cao Lục Sơn đã bị mai một do hoạt động nghề không được duy trì thường xuyên bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trang phục truyền thống chỉ được mặc trong những nghi lễ bắt buộc và chỉ có những người liên quan trực tiếp thì mới mặc. Một số sản phẩm dệt của bà con như khăn quàng cổ, áo… được nhiều du khách yêu thích và mua làm đồ lưu niệm, tuy nhiên, chỉ trong các dịp lễ hội hay ngày hội của tỉnh thì các nghệ nhân dệt thổ cẩm xã Lục Sơn mới có cơ hội đến giới thiệu và trình diễn.
Phụ nữ Cao Lan dệt thổ cẩm để có vải cho cả gia đình dùng. |
“Nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan xã Lục Sơn đã có từ bao đời nay và được nhiều người biết đến bởi nét độc đáo ở chất liệu, màu sắc, hoa văn… của vải dệt. Để có được tấm vải, người Cao Lan phải làm rất nhiều công đoạn như chọn đất trồng bông, chọn giống bông, cán bông, kéo sợi và dệt thành phại - vuông vải”.
Trong những năm gần đây, với chủ trương của tỉnh Bắc Giang: khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống nhằm tạo việc làm và thu nhập cho người dân, lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của các tộc người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh và tạo ra những sản phẩm đặc sắc của địa phương phục vụ phát triển du lịch, cùng với nguyện vọng của chính người dân, chính quyền các cấp đã cùng nhau góp sức để khôi phục lại nghề dệt vải thổ cẩm và thêu hoa văn trang trí trên trang phục của người Cao Lan ở xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Với sức sống tiềm tàng của nghề truyền thống trong đời sống của bà con dân bản, nghề dệt đang hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển.
Kỹ thuật khâu may, thêu thùa trang trí trang phục truyền thống vẫn được các nghệ nhân bảo lưu và có ý thức truyền dạy cho con cháu để có sẵn lớp kế tục. Cách dệt hiện nay về cơ bản vẫn được giữ nguyên theo lối truyền thống song cũng có một số cải tiến nhằm vừa giữ lại truyền thống vừa đảm bảo tính cạnh tranh với những sản phẩm hàng hóa trao đổi mua bán trên thị trường. Với khung dệt truyền thống, khổ vải vẫn giữ nguyên kích thước ban đầu song hiện nay đồng bào đã biết cách phối hợp sợi nhiều màu trên cùng một khung dệt để có được những sản phẩm phong phú hơn về màu sắc.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cao Lan đã được khôi phục từ năm 2007 - 2008 thông qua cách truyền nghề trực tiếp. Những nghệ nhân trong bản dạy nghề và truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ, nhiều chị em đã rất hào hứng tham gia khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
Với sự nỗ lực của chính quyền và đồng bào, hiện nay số người biết dệt trong toàn xã đã tăng lên gần 100 người (trong đó chủ yếu tập trung tại bản Khe Nghè), hàng chục khung dệt trong các thôn bản lại được đóng mới và hoạt động thường xuyên không chỉ để đáp ứng cho nhu cầu ăn mặc của đồng bào ngay tại các thôn bản có nghề mà còn để phục vụ theo những đơn đặt hàng của các bản xung quanh, nhiều sản phẩm tiêu biểu còn được mang đi trưng bày và bán ở nhiều nơi trong tỉnh.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhận thấy những thế mạnh, tiềm năng của vùng đất Lục Sơn, chính quyền các cấp đã có chủ trương gắn kết việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa ở xã Lục Sơn với hoạt động tham quan du lịch vùng bảo tồn Tây Yên Tử. Công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng được tăng cường nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan các thôn bản. Hoạt động này chính là đòn bẩy cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc Cao Lan được mở mang, phát triển. Nắm bắt cơ hội này, một số gia đình có nghề dệt, nghề thêu trong thôn bản đã chủ động tổ chức sáng tác mẫu trang phục chàm phù hợp với thị hiếu của khách du lịch như áo, mũ, khăn, túi đeo, tấm thêu hoa văn treo trang trí trên tường…
Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan ở xã Lục Sơn hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định với chất lượng cao. Tuy nhiên, để nghề dệt thổ cẩm truyền thống xã Lục Sơn có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững, lâu dài thì các vấn đề về hỗ trợ vốn đầu tư cho sản xuất, truyền nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm… cần được Nhà nước và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa.
Tài liệu tham khảo
1. Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống người Cao Lan tại bản Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, Đề tài nghiên cứu khoa học do Bảo tàng tỉnh Bắc Giang chủ trì, Nguyễn Thị Nga chủ nhiệm, 2009.
2. Phù Ninh, Nguyễn Thịnh, Văn hóa truyền thống Cao Lan, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999.
3. Lâm Quý, Văn hóa Cao Lan, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.