Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghệ An: Thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động xã hội

Thứ Bảy, 02/12/2023 21:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bằng việc thúc đẩy phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, phụ nữ tỉnh Nghệ An đã tự tin hơn, phụ nữ bình đẳng hơn trong công tác xã hội cũng như việc nhà.

Trong những năm qua, các huyện thị ở tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới của phụ nữ dân tộc thiểu số với các chương trình đề án được triển khai. Nhờ đó, các hoạt động bình đẳng giới Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã đem lại những thay đổi tích cực đối với công tác phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số. 

 Khi tham gia hoạt động xã hội, phụ nữ xã Môn Sơn cũng bình đẳng hơn trong tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế

Bà La Thị Nguyệt, dân tộc Đan Lai ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn huyện Con Cuông là một phụ nữ tiên phong khi tự nguyện di dời từ vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát ra khu tái định cư 20 năm trước. Bà cũng là phụ nữ tiên phong khi vào năm 2013 đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Với những người phụ nữ Đan Lai bị hủ tục lạc hậu đè nặng lên vai chỉ quẩn quanh với góc bếp thì những việc bà La Thị Nguyệt đã làm thực sự khó tin và khó có người phụ nữ dân tộc thiểu số nào lúc đó dám làm. Bà tâm sự, “tất cả những việc đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được. Nếu ông ấy ở nhà thì công việc của mình sẽ nhẹ nhàng hơn, còn nếu ông đi làm ăn xa, thì mình phải chủ động các công việc chứ”.

Nhờ vợ chồng bình đẳng trong việc nhà, hỗ trợ nhau trong cuộc sống nên gia đình bà La Thị Nguyệt luôn có không khí vui vẻ và đầm ấm. Kinh tế gia đình vì thế cũng ổn định. Ông Lâm Văn Thụ, chồng bà Nguyệt cho biết “Việc gì tôi cũng có thể làm giúp vợ bởi bà ấy hay đi làm công tác thôn bản hoặc đi họp ngoài xã”. 

Với chị Lô Thị Biển ở bản Thái Sơn, xã Môn Sơn thì được đánh giá là người phụ nữ Thái vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Gần 20 năm gắn bó với công việc thôn bản, từ chi hội trưởng phụ nữ rồi làm bí thư chi bộ. Dù ở vị trí nào và công việc bận rộn đến đâu, chị vẫn tươm tất việc nhà. “Chính vì tham gia các công việc xã hội, đầu óc mình cũng mở mang hơn, biết cách chăn nuôi, trồng trọt, sắp xếp công việc khoa học, do đó, kinh tế gia đình cũng ngày một phát triển”.

Ở Nghệ An, nhờ các chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, phụ nữ đã bình đẳng hơn khi tiếp cận cơ hội phát triển bản thân, tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế. Từ đó, ở nhiều huyện, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy hoặc là lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội ngày càng tăng. Môn Sơn là một xã đặc biệt khi có tới hơn 50% người đứng đầu các xóm bản là phụ nữ. Đội ngũ phụ nữ này đã và đang phát huy rất tốt vai trò của người đứng đầu, tạo nên sự thay đổi trong nhận thức và hành động của phụ nữ nơi đây. Ưu điểm ở những phụ nữ làm cán bộ thôn bản ở đây là luôn gần gũi, tiếp xúc, chuyện trò để hiểu rõ tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của mỗi gia đình, từ đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Đặc biệt, cán bộ nữ thôn bản là những tuyên truyền bình đẳng giới rất tích cực khi chia sẻ cách phát huy năng lực, thế mạnh của bản thân, tuyên truyền các nội dung bình đẳng giới tới người dân và những người phụ nữ.

Các chị cũng luôn biết cách sắp xếp công việc nhà, việc sản xuất và hoạt động xã hội, vừa bàn cách phát triển kinh tế, vừa đưa ra giải pháp xây dựng gia đình bình đẳng hạnh phúc. 

Các hoạt động xóa bỏ định kiến giới luôn được huyện Con Cuông chú trọng 

Đồng chí Hà Thị Thuận, Bí thư Chi bộ bản Thái Sơn, xã Môn Sơn huyện Con Cuông cho biết, trước đây, tỷ lệ đảng viên nữ rất thấp nhưng trong những năm gần đây, nhận thức của bà con đã thay đổi rất nhiều, ai cũng nhìn ra những đảng viên bao giờ cũng là những người tiên phong trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hiện Chi bộ bản Thái Sơn có tỷ lệ nữ đang dần được nâng lên.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng trăm các nhóm câu lạc bộ thu hút hàng nghìn chị em dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt, nhờ đó, ngày càng có nhiều chị em tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, do đó nâng cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Các chị cũng chính là nòng cốt trong công tác tuyên truyền vận động bình đẳng giới. Thông qua các hoạt động phong trào, chúng tôi nhận thấy chị em đã tự tin hơn trong cuộc sống và trong tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng.

Nghệ An đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 ở cấp tỉnh 18,75%, cấp huyện 19,4%, cấp cơ sở 25,5% và tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở cấp tỉnh là 27,71%, cấp huyện là 31,25%, cấp xã 29,97%. Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ cơ sở, phải chuẩn bị thật tốt công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ , đặc biệt cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. 


TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN