Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghệ An: Quyết liệt hoàn thành hiệu quả các mục tiêu chương trình MTQG

Thứ Năm, 31/08/2023 16:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Qua thực tiễn đã chứng minh được hiệu quả, thực chất, tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia đối với người dân vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước, trong đó người dân vùng khó khăn của tỉnh Nghệ An.

Kỳ Sơn đang là một trong nhiều địa phương ở Nghệ An còn gặp những khó khăn trong thực hiện các Chương trình MTQG. Trong ảnh:một bản làng người Mông ở huyện Kỳ Sơn 

Còn 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục trình giao vốn

Đến nay, các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai nhanh chóng, kịp thời, hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, từ đó, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Với quyết tâm chính trị cao, có nhiều nỗ lực, bước đầu cả 3 chương trình đã có kết quả nhất định; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện…

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An là 5.344,388 tỷ đồng. Đến nay, HĐND tỉnh Nghệ An đã phân bổ số vốn 4.931,108 tỷ đồng để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.379,680 tỷ đồng, triển khai tại 411 xã; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 2.632,56 tỷ đồng, triển khai 9 dự án thành phần. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 918,868 tỷ đồng, triển khai 2 dự án thành phần.

Trong đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 và năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao là 2.476,294 tỷ đồng. Đến ngày 20/7/2023 lũy kế số đã giải ngân 883,438 tỷ đồng, đạt 35,68% kế hoạch. Còn tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được giao là 1.715,077 tỷ đồng. Đến ngày 20/7/2023 lũy kế đã giải ngân 187,519 tỷ đồng, đạt 10,93% kế hoạch.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 8 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt cấp tỉnh của các sở chủ trì và UBND các huyện chưa hoàn thành thủ tục trình giao vốn theo quy định.

Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh còn thấp là do trong quá trình thực hiện, Nghệ An gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 được Trung ương thông báo muộn...

Việc thực hiện quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương do: Đây là các danh mục công trình quan trọng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khi triển khai sẽ được lập các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng... dẫn đến trường hợp nhiều dự án có suất đầu tư/công trình/km đường giao thông lớn hơn quy định tại Quyết định này.

Cùng với đó, trong khoảng thời gian ngắn, số lượng văn bản hướng dẫn rất lớn, khối lượng công việc cần triển khai rất nhiều, công tác triển khai thực hiện cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp; do đó, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện ở các cấp vẫn còn nhiều lúng túng. Một số ngành, địa phương chưa phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

Tỉnh Nghệ An đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương 

Quyết liệt "gỡ khó" để đạt mục tiêu

Xác định triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thể hiện sự quyết tâm cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Khâu tổ chức thực hiện được tập trung, tỉnh đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương...

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững đã được triển khai từ giai đoạn trước, và giai đoạn 2021 - 2025 qua thực tiễn đã chứng minh được hiệu quả, thực chất, tính bền vững, mang lại cho người dân. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tuy mới được triển khai nhưng mục đích, ý nghĩa, mục tiêu khi ban hành đã rất rõ, nên khi được triển khai hiệu quả sẽ góp phân thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Do đó, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, quyết tâm đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân trên 95% năm 2023 được UBND, HĐND tỉnh Nghệ An xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Và tỉnh cũng đã có nhiều cuộc họp để nhìn nhận rõ nguyên nhân, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết: Tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện thuộc thẩm quyền của tỉnh với phương châm “nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn; sâu sát, hướng mạnh về cơ sở, để hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu đảm bảo tiến độ đặt ra, hoàn thành hiệu quả các mục tiêu.

Để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, quyết tâm đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân trên 95% năm 2023, UBND tỉnh và HĐND tỉnh Nghệ An đã có nhiều cuộc họp để nhìn nhận rõ nguyên nhân, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc./.

Gia Linh (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN