Nghệ An phát triển nghề sản xuất nước mắm
Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2020 sản xuất nước mắm đạt 35 triệu lít (tăng 10 triệu lít so với hiện nay) và đưa nghề này phát triển tại các huyện ven biển ở địa phương.
Làng chế biến hải sản Tân An ( xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu) có 200 lao động
hàng năm tiêu thụ 600 ngàn lít nước mắm đã được cấp bằng công nhận Làng nghề. Ảnh: Lan Xuân/TTXVN
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả nghề sản xuất nước mắm, tỉnh Nghệ An chủ trương ổn định và nâng cấp các cơ sở chế biến hiện có; tăng cường công tác khoa học công nghệ, áp dụng quy trình quản lý hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến các làng nghề chế biến thủy sản xây dựng mô hình sản xuất nước mắm gắn với uy tín, thương hiệu riêng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Không chỉ phát triển về số lượng, các doanh nghiệp và làng nghề sản xuất cũng cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và giữ vững thương hiệu sản phẩm nước mắm.
Nghệ An có 3 huyện ven biển là Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và 2 thị xã biển là Hoàng Mai, Cửa Lò. Sản xuất nước mắm là nghề truyền thống, lâu đời của địa phương ven biển trong tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thương hiệu nước mắm nổi tiếng, có chỗ đứng trên thị trường như: Vạn Phần (Diễn Châu), Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu), Cửa Hội (thị xã Cửa Lò)...
Cùng với các hộ dân, làng nghề, nghề sản xuất nước mắm tại Nghệ An còn có sự tham gia của 4 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần thuỷ sản Quỳnh Lưu, Công ty cổ phần Vạn Phần, Công ty cổ phần thuỷ sản Nghệ An, Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản và dịch vụ Cửa Hội. Hiện các doanh nghiệp này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản xuất nước mắm, có cở sở vật chất đảm bảo. Hàng năm, các đơn vị này đều chú trọng tu sửa, nâng cấp bể chượp, phân xưởng sản xuất, phòng phân tích và kiểm nghiệm độ đạm, đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất nước mắm.
Tuy nghề chế biến nước mắm đang phát triển mạnh tại các huyện ven biển Nghệ An nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đáng chú ý là máy móc, thiết bị công nghệ trong chế biến nước mắm chưa được đầu tư và sử dụng nhiều, nhất là chưa có thiết bị cô đạm để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty cổ phần thuỷ sản Nghệ An sử dụng cơ giới hoá trong sản xuất ở công đoạn đóng chai (máy đóng chai bán tự động), các doanh nghiệp còn lại đều dùng sức người mang tính thủ công. Đa số các làng nghề sản xuất nước mắm vẫn đang sản xuất theo nghề truyền thống hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ nên chưa có phòng phân tích, kiểm nghiệm độ đạm, chất lượng sản phẩm không công bố. Đây đang là những hạn chế trong việc sản xuất nước mắm đang được các địa phương, các doanh nghiệp và các hộ gia đình sản xuất nước mắm trong tỉnh tìm cách khắc phục để đưa nghề sản xuất nước mắm trong tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả./.
Nguyễn Văn Nhật/TTXVN