Nghệ An chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc
(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; luôn xem đây là vấn đề quan trọng, cấp bách, lâu dài, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.
Các em thiếu nhi Trường Dân tộc nội trú THCS Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An biểu diễn hát đồng dao dân tộc Thái. (Ảnh: T Bình) |
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ thị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; luôn xem đây là vấn đề quan trọng, cấp bách, lâu dài, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, vận động đồng bào khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nỗ lực phấn đấu, vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt công tác phối hợp, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới, các nghị quyết của Quốc hội và các văn bản liên quan về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...
Chỉ thị nêu rõ, Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời tăng cường công tác giám sát việc tổ chức thực hiện.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội tập trung hướng về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện dân tộc trong tình hình mới; chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của tổ chức đảng, chính quyền; đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chú trọng công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các thôn, bản vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nguy cơ không còn chi bộ đảng. Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ, xây dựng và nhân rộng mô hình "Dân vận khéo" tại cơ sở; phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời bức xúc, nổi cộm xảy ra ngay tại cơ sở...
UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh, trong đó tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với từng địa bàn, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ...
Cũng theo Chỉ thị, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong các giai đoạn cách mạng của đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các cấp ủy đảng, chính quyền đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được lưu giữ, bảo tồn, phát huy; tập quán lạc hậu dần dần được xoá bỏ; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn: Kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa thật sự đồng bộ; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều; giáo dục, y tế còn có mặt hạn chế; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc từng bước bị mai một; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nơi, có lúc còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức./.