Ngày Quốc tế Trẻ em gái: Tạo điều kiện để 600 triệu trẻ em gái phát huy hết tiềm năng bản thân
(ĐCSVN) – Nếu được tạo cơ hội và không gian cần thiết, khoảng 600 triệu trẻ em gái chuẩn bị bước vào lực lượng lao động trên toàn thế giới có thể phát huy hết tiềm năng của bản thân để đóng góp cho xã hội.
Phát biểu nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, phụ nữ chiếm chưa đến 30% số sinh viên tốt nghiệp các ngành thông tin và công nghệ, và chiếm dưới 30% số công việc liên quan đến nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu.
Ông cho rằng, những quan điểm khuôn mẫu về giới tính đối với trẻ em gái trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học được bắt đầu ngay từ cấp tiểu học. Quan điểm cho rằng những lĩnh vực này không phù hợp với trẻ em gái và điều này khiến các em hoài nghi về chính khả năng của mình.
Tổng Thư ký nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị cho các em những kĩ năng có thể dẫn đến thành công trong cuộc sống. Ông lưu ý rằng những khả năng như suy nghĩ logic, sự sáng tạo, và nhận thức về công nghệ số sẽ là những nhân tố quan trọng trong lực lượng lao động mới.
Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Natalia Kanem cho biết, có quá nhiều trẻ em gái phải đối mặt với những rào cản trên hành trình đến tuổi trưởng thành.
Theo bà, tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên đã buộc hàng triệu trẻ em gái phải bỏ học. Những quy định và định kiến tiêu cực đã lấy đi kiến thức và sự tự chủ của các em với chính cơ thể mình. Bà cho rằng, phân biệt đối xử giới tính có thể đặt nền móng cho những cơ hội bị bỏ lỡ suốt cuộc đời.
Bà kêu gọi cần đầu tư về sức khỏe và giáo dục, những kĩ năng và khả năng lãnh đạo để có thể đưa các em ra khỏi tình trạng này đồng thời giúp các em có thể trở thành những người dẫn đầu.
Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 được Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết vào ngày 19/12/2011. Mục đích của ngày này là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn./.