Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 30/9

Thứ Hai, 30/09/2024 08:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ ngày 30/9/1974 đến ngày 8/10/1974, Hội nghị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội. Hội nghị thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976.

Sự kiện trong nước:

- Từ ngày 30/9/1974 đến ngày 8/10/1974 Hội nghị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội. Hội nghị thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Hội nghị đã cơ bản nhất trí với nội dung bản dự thảo Kế hoạch chiến lược do Cục Tác chiến chuẩn bị; đồng thời quyết định: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch và các thành, thị khác, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để. Hội nghị nhất trí lấy Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu năm 1975.

Đứng trước thời cơ chiến lược lớn với điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị, tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu  

- Ngày 30/9/1964, đăng trên Báo Nhân dân, số 3836, ra ngày 1/10/1964, trong “Bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên Thủ đô”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Học có tốt, hành mới tốt. Học và hành tốt mới làm trọn nhiệm vụ người thanh niên cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cho thanh niên. Người yêu cầu tuổi trẻ phải thực hiện học tập toàn diện và học tập phải gắn liền với rèn luyện. Người dạy thanh niên gắng sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

- Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh năm 1913 tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, qua đời ngày 30/9/1989. Năm 1933, ông bắt đầu học khoa kiến trúc sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Sau 5 năm học tập, ông đỗ thủ khoa và trở về Sài Gòn làm việc. Ông có biệt tài tổ chức không gian và khéo léo khai thác những tinh hoa của di sản kiến trúc truyền thống trong các thiết kế của mình.

Là một trí thức yêu nước, một chiến sĩ cách mạng có nhiều cống hiến cho đất nước. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã được thưởng nhiều Huân chương cao quý và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 30/9/1921, bài viết của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên hai tờ báo: Bài “Tội ác của chủ nghĩa thực dân” trên tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống Công nhân) và “Sự quái đản của công cuộc khai hoá” trên tờ “Le Libertaire” (Tự Do) đều có chung chủ đề tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa.

- Ngày dịch thuật quốc tế là ngày quốc tế tôn vinh những người làm nghề biên dịch. Ngày này được tổ chức hàng năm vào ngày 30/9, là ngày lễ của Thánh Jerome , người biên dịch Kinh thánh được coi là vị thánh bảo trợ của những người biên dịch.

Dịch thuật đóng vai trò quan trọng sự phát triển của xã hội loài người, là cầu nối giữa các dân tộc, giúp duy trì hòa bình và an ninh. Liên hợp quốc đã dành riêng một ngày để tôn vinh nghề dịch thuật trên thế giới. Ngày Dịch thuật Quốc tế là dịp để tôn vinh công việc của các biên phiên dịch viên - những người đóng góp quan trọng vào việc mang các quốc gia xích lại gần nhau, hỗ trợ đối thoại, hiểu biết và hợp tác, góp phần vào phát triển và củng cố hòa bình, an ninh thế giới.

Do vậy, vào ngày 24/5/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 71/288 về vai trò của những người hành nghề dịch thuật trong kết nối các quốc gia và nuôi dưỡng hòa bình, hiểu biết và phát triển. Đại hội đồng tuyên bố lấy ngày 30/9 làm Ngày Dịch thuật Quốc tế./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN