Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 23/9

Thứ Hai, 23/09/2024 07:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử là “Ngày Nam bộ kháng chiến”, mở đầu cho cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của nhân dân Nam bộ.

Sự kiện trong nước

 - Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử là “Ngày Nam bộ kháng chiến”, mở đầu cho cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của nhân dân Nam bộ. 

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ Việt Nam tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Nhân dân Nam bộ nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu   

Trước tình hình đó, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được thành lập, do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch, triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên, hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “độc lập hay là chết”, quyết tâm thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam Bộ đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc.

Sự kiện Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) đã làm nức lòng nhân dân cả nước, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập, tự do; là dấu son lịch sử thể hiện tinh thần quật cường, hào khí của quân dân Nam bộ; xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng. 

Bác Hồ nói chuyện thân mật với cán bộ, công nhân, chuyên gia Liên Xô sang giúp khôi phục mỏ và nhân dân địa phương trong dịp Người tới thăm mỏ apatit Lào Cai ngày 23/9/1958. 

- Ngày 23/9/1958, Lào Cai vinh dự được đón Bác Hồ lên thăm. Đây trở thành sự kiện trọng đại, niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn công tác của Chính phủ đã đi tàu hỏa từ ga Hà Nội đến ga Làng Giàng. Trong chuyến đi, Người đến thăm công trường cầu Làng Giàng, mỏ Apatit, công trường Nhà máy điện Lào Cai và gặp gỡ thân mật, nói chuyện với cán bộ chủ chốt tỉnh, đại biểu nhân dân các dân tộc và chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân địa phương.

- Ngày 23/9/1963: Ngày thành lập Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9). ngày 23/9/1963, tại vùng căn cứ U Minh thuộc xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời (nay là huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Trung đoàn 1-Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Tây Nam bộ, sau đó được mang tên Trung đoàn U Minh.

Ngay từ khi mới thành lập, mặc dù lực lượng còn thiếu thốn, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất còn thiếu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm cao, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương, được sự thương yêu, giúp đỡ của nhân dân, trung đoàn ra quân và liên tục giành thắng lợi. 

Sự kiện quốc tế

- Ngày 23/9/1930: Ngày Quốc khánh của Vương quốc Ả Rập Xê Út  (Saudi Arabia).

- Ngày 23/9/1975: Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu.

- Ngày 23/9/1976, Việt Nam gia nhập Ngân hàng phát triển châu Á (viết tắt là ADB).

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN