Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 22/12

Chủ Nhật, 22/12/2024 08:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 22/12/1944, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với 34 chiến sỹ “quần nâu áo vải” - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, được thành lập.

Sự kiện trong nước

- Ngày 22/12/1944, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với 34 chiến sỹ “quần nâu áo vải” - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, được thành lập. 

Trong Chỉ thị về nhiệm vụ cách mạng quan trọng này, Lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Người còn gửi gắm: “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Chỉ thị cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt và tầm nhìn của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.

Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu 

Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 22/12/1944 đã trở thành Ngày thành lập, Ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam; đánh dấu sự ra đời, phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam; đồng thời, khẳng định sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng ở nước Việt Nam.

Ngay sau khi ra đời, được sự ủng hộ, giúp đỡ, che chở của nhân dân, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu trang sử truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các đơn vị Cứu quốc quân, các đội du kích phát triển thành Việt Nam giải phóng quân, cùng nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa, làm nên thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do.

Sau 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã trở thành một quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Gắn bó máu thịt với nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khẳng định vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

  Từ khi thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: chinhphu.vn 
 

- Ngày 12/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, vạch rõ những nét cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài của nhân dân ta. 

Bản Chỉ thị vạch rõ mục đích cuộc kháng chiến là đánh thực dân Pháp xâm lược, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Tính chất cuộc kháng chiến là lâu dài và toàn diện. Chương trình kháng chiến có 12 điểm cụ thể, trong đó có: đoàn kết toàn dân; quân, chính, dân nhất trí; động viên sức người, sức của và tài chính, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; đánh Pháp, tiễu phỉ, trừ gian; giành quyền độc lập, bảo toàn lãnh thổ, thống nhất đất nước; củng cố chế độ cộng hoà dân chủ, tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc và một số nội dung khác.

Chỉ thị Toàn dân kháng chiến là một trong những văn kiện mang tính chất cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Ngày 22/12/1989, lần đầu Ngày hội Quốc phòng toàn dân được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Xuất phát từ vai trò của công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đồng thời thể theo nguyện vọng của quân và dân cả nước, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội.

Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cổ vũ, động viên toàn dân chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trên từng địa phương, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh trong tình hình mới.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới trong quan hệ hai nước.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN