Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 22/10

Thứ Ba, 22/10/2024 08:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 22/10/1963, để thống nhất chỉ huy mặt trận trên không, nhằm đối phó với những bước leo thang mới của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Sự kiện trong nước

 - Ngày 22/10/1963, để thống nhất chỉ huy mặt trận trên không, nhằm đối phó với những bước leo thang mới của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Quân chủng Phòng không - Không quân diễn tập, bắn đạn thật các lực lượng phòng không. Ảnh: phongkhongkhongquan.vn

Ngay sau khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu; được nhân dân cả nước tận tình giúp đỡ; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của lực lượng vũ trang nhân dân các địa phương, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, cùng quân và dân cả nước đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri ngày 27/01/1973, tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.

- Ngày 22/10/1965, trên báo Nhân Dân, Bác viết bài “Càng già càng giỏi” biểu dương lớp người cao tuổi: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước…” và yêu cầu: “Các cấp đảng bộ và Mặt trận các địa phương nên ra sức giúp các cụ phụ lão tổ chức, củng cố và phát triển đội Bạch đầu quân. Đó cũng là một lực lượng khá to trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Để kết luận bài này, xin tặng các cụ phụ lão kính mến một câu thơ: Tuổi cao, chí khí càng cao/ Chống Mỹ, cứu nước, già nào kém ai!”.

- Ngày 22/10/1983: Ngày mất Giáo sư Cao Xuân Huy - nhà triết học xuất sắc của thế kỷ XX. Ông sinh ngày 28/5/1900 tại Diễn Châu, Nghệ An. Là giáo sư chuyên về lịch sử tư tưởng triết học Phương Đông, ông đã để lại cho đời một số giáo trình cổ đại xuất sắc về Kinh dịch, Luận ngữ, Mạnh tử, Bách gia chư tử… Tác phẩm “Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu” của ông được bạn đọc trong nước và ngoài nước đánh giá cao. Tác phẩm này đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 1996. 

GS Cao Xuân Huy (thứ 3 từ trái sang, hàng đầu) cùng các học trò. Ảnh tư liệu. 

- Ngày 22/10/2018, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được ban hành khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. 

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Sự kiện quốc tế

Tàu Chandrayaan-1 để lại một vệt mây dày sau khi được phóng - Ảnh: AP 

- Ngày 22/10/2008:  Ấn Độ đã phóng thành công tàu vũ trụ không người lái Chandrayaan 1. Đây tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ, được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy do nước này sản xuất. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến lớn của chương trình vũ trụ Ấn Độ. Với việc phóng thành công tàu Chandrayaan 1, Ấn Độ đã trở thành một trong số ít những nước có khả năng phóng tàu thăm dò lên Mặt Trăng, sau Nga, Mỹ, Nhật Bản, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và Trung Quốc./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN