Ngày này năm xưa: 21/10
(ĐCSVN) - Ngày 21/10/1946 là ngày truyền thống của ngành Đường sắt Việt Nam. Đây là ngày cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt Việt Nam vinh dự được nhận nhiệm vụ tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hải Phòng về Hà Nội.
Sự kiện trong nước
- Ngày 21/10/1921, vở kịch “Chén thuốc độc” của đạo diễn Vũ Đình Long công diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội, gây được tiếng vang lớn. Đây là vở diễn đầu tiên do người Việt viết, đánh dấu sự ra đời chính thức và phát triển của kịch nói Việt Nam. Kể từ ngày 21/10/1921 đến nay, lịch sử nghệ thuật kịch Việt Nam đã hơn 100 tuổi, Kịch Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, bác học, hoàn thiện, hiện đại, không thua kém với bất kỳ nền sân khấu kịch tiên tiến nào trên thế giới.
Bác Hồ trên chuyến tàu từ Hải Phòng về Hà Nội ngày 21/10/1946. Ảnh tư liệu |
- Ngày 21/10/1946, cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt Việt Nam vinh dự được nhận nhiệm vụ tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hải Phòng về Hà Nội sau chuyến thăm Pháp về. Chuyến tàu đã đưa đoàn công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô tuyệt đối an toàn, đúng kế hoạch, được Người gửi thư cảm ơn, khen ngợi, trong đó có viết: “Công việc Hỏa xa là một công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em Sở Hỏa xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ.” Sự kiện ngày 21/10/1946 đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử Đường sắt Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của đông đảo các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên đường sắt, ngày 11/3/1996, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/10 hằng năm là ngày truyền thống của ngành Đường sắt Việt Nam.
- Ngày 21/10/1956, tướng Nguyễn Sơn từ trần tại Hà Nội. Nguyễn Sơn là một danh tướng “văn võ toàn tài”; là người duy nhất trong lịch sử quân sự thế giới - được phong quân hàm Thiếu tướng ở cả hai quốc gia, “lưỡng quốc tướng quân” (vị tướng của cả hai nước); là một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng giữa Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 21/10/1964). Ảnh tư liệu |
- Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống nước Cộng hoà Mali, Môđibô Câyta đến thăm trường ĐHSP Hà Nội. Người đã nói chuyện rất thân mật với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường; nhắc nhở “Phải đoàn kết thật sự giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối…”; “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt... Học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”… Cuối cùng, Người căn dặn: “Tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân phải phấn khởi thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”.
- Ngày 21/10/1966: Đế quốc Mỹ trút loạt bom xuống khu vực xã Thụy Dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Lớp học của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đang trong giờ Ngữ Văn đã hứng chịu loạt bom này, cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh lớp 7 đã mãi mãi ra đi. Để ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh, tháng 02 năm 1988, Đảng bộ và nhân dân xã Thụy Dân đã quy tập thi hài cô giáo và 30 học sinh về khu đất ven trường, dựng bia căm thù giặc Mỹ. Nghĩa trang 21 tháng 10 được khởi công xây dựng ngày 06/02/2004, hoàn thành ngày 30/4/2004. Với diện tích trên 1.000m2, phần mộ cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh được xây như một lớp học, được tôn tạo to đẹp, trang trọng.
Một buổi học ngoại khóa của các em học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Thụy Dân tổ chức tại Nghĩa trang 21/10. Ảnh: Báo Thái Bình |
Khu tưởng niệm 21/10, xã Thụy Dân đã trở thành chứng tích chiến tranh ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ, và ngày nay là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Với những giá trị nêu trên, ngày 29/6/2021, Khu Tưởng niệm 21/10/1966 tại Trường cấp 2 Thụy Dân, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 21/10/1833: Ngày sinh nhà khoa học Alfred Nobel - “cha đẻ” của giải thưởng Nobel danh giá. Khi qua đời năm 1896, cùng với một gia tài đáng kể có được nhờ tài năng sáng chế và khả năng kinh doanh của mình Alfred Nobel để lại di chúc đề nghị lập một quỹ lấy từ tiền lời của tài sản của ông để hàng năm trao giải thưởng cho các nhà bác học, nhà văn, nhà hoạt động xã hội, kinh tế có cống hiến xuất sắc cho loài người. Di chúc của Nobel cũng nhấn mạnh rằng giải được trao không phân biệt quốc gia của người nhận, vì thế người xứng đáng nhận giải nhất sẽ nhận giải. Giải thưởng này mang tên Nobel.
Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế. Phần lớn những người được nhận giải thưởng Nobel đều là những người có cống hiến vĩ đại cho nhân loại./.