Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 19/10

Thứ Bảy, 19/10/2024 08:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 19/10 ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ như ngày khai mạc Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng, ngày mất Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, ngày UNESCO thông qua Công ước quốc tế ngăn chặn sử dụng chất kích thích trong thể thao…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (thứ 2 từ trái sang) tháp tùng Bác Hồ đi thăm một lớp học tại Hà Nội. (Ảnh: nguyenvanhuyen.org.vn)  

Sự kiện trong nước:

- Ngày 19/10/1946, khai mạc Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng. Hội nghị tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh. Đây là hội nghị quân sự đầu tiên của Đảng kể từ khi chúng ta giành lại được chính quyền sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Hội nghị nhận định: "Không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp". Hội nghị khẳng định: Tuy ta kém về kỹ thuật, vũ khí nhưng với tinh thần dẻo dai, bền bỉ, ta nhất định sẽ thắng. Ta cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị của Vệ quốc đoàn, đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang để sẵn sàng chiến đấu. Đây là hội nghị quân sự lớn nhất của Đảng ta từ sau khi giành được chính quyền.

- Ngày 19/10/1966 Bác Hồ phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác phát biểu: “Hội phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm và ngày càng phát triển. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân, cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, tục ngữ ta có câu 6: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta... Thế là từ xưa đến nay, từ Bắc đến Nam, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng”.

- Ngày 19/10/1973 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam công bố chính sách dân tộc gồm 8 điểm: 1). Thực hiện bình đẳng dân tộc, đoàn kết các lực lượng dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. 2). Ra sức bảo tồn và phát triển các dân tộc anh em. 3). Thực hiện đầy đủ quyền tự do dân chủ... 4). Tôn trọng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc... 5). Tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo... 6). Chăm lo quyền lợi về ruộng đất, nương rẫy, rừng núi cho đồng bào... 7). Ra sức phát triển y tế, vệ sinh phòng bệnh, chữa bệnh, bảo vệ bà mẹ, trẻ em. 8). Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đông đảo đội ngũ cán bộ của các dân tộc anh em.

- Ngày 19/10/1975, ngày mất Giáo sư Nguyễn Văn Huyên. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16/11/1908. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ văn khoa tại Trường Đại học Sorbone, Paris, Pháp. Gần 30 năm đảm trách cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục (từ 1946 đến 1975), ông đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục, văn hoá của nước nhà. Ngoài xóa mù chữ, tổ chức lớp học trong kháng chiến, đào tạo giáo viên, GS. Nguyễn Văn Huyên còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ học đường, nâng cao dân trí, phát triển giáo dục miền núi, phát triển sử học và quốc văn vì đó là những lợi khí rèn tinh thần, tư tưởng dân tộc. Ông còn có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về văn học dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc dân tộc, địa lí, lịch sử… Năm 2000, GS. Nguyễn Văn Huyên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 19/10/2005 UNESCO thông qua Công ước quốc tế ngăn chặn sử dụng chất kích thích trong thể thao. Đây là công cụ pháp lý mang tính ràng buộc đầu tiên được áp dụng trên phạm vi toàn cầu nhằm ngăn chặn, tiến tới loại trừ nạn doping trong thể thao, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.   

Tại Kỳ họp lần thứ 9 Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước quốc tế về phòng chống doping trong thể thao của UNESCO (COP9) diễn ra ở Paris (Pháp), Đoàn Việt Nam nhấn mạnh, từ khi tham gia năm 2009, Việt Nam luôn duy trì, thực hiện đúng những cam kết về việc triển khai các chương trình về phòng chống doping trong các hoạt động thể thao. 

Ngoài những quy định về thủ tục xét nghiệm và hình phạt, Công ước cũng đưa ra những quy định chung về quyền lợi và trách nhiệm của tất cả các vận động viên trên toàn thế giới trong nỗ lực chống lại nạn doping.

Với sự phê chuẩn của 127 nước, Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2006. Những nước chưa phê chuẩn Công ước hoặc không tuân thủ đầy đủ Công ước sẽ không được tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN