Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 13/10

Chủ Nhật, 13/10/2024 08:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 13/10/1990 là ngày mất của đồng chí Lê Đức Thọ - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng, Nhà nước.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 13/10/1939, ngày mất của nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng, là một trong những nhà văn lớn của nền Văn học Việt Nam trong thế kỷ 20. Chỉ 27 năm sống trên dương thế, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ với hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội, ông là cây bút không ngại vạch trần sự tồi tàn, ung nhọt của xã hội đương thời, trào lưu Âu hóa làm đảo lộn mọi giá trị truyền thống và đạo đức... được thể hiện qua các tác phẩm "Giông tố", "Số đỏ", "Vỡ đê", "Cạm bẫy người", "Kỹ nghệ lấy Tây”…

- Ngày 13/10/1990, ngày mất của đồng chí Lê Đức Thọ, tên chính là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định), nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định). Đồng chí là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1936 - 1945, đồng chí đã có nhiều sáng tạo, quyết đoán, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng trong tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc. Đồng chí cũng là nhà ngoại giao xuất sắc với tầm nhìn và chiến lược khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược.

Đồng chí Lê Đức Thọ được ví như "vị tướng ngoài biên ải", người góp phần to lớn vào tiến trình đàm phán, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1/1973). Ảnh: TTXVN 

Tại Hội nghị Paris bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ là cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ, người góp phần to lớn vào tiến trình đàm phán, dẫn đến ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong suốt gần 5 năm đàm phán ở Paris, đồng chí Lê Đức Thọ được ví như "vị tướng ngoài biên ải".

- Ngày 13/10/1945, khi được tin giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác đã viết thư động viên, cổ vũ họ. Bức thư của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đây cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân. Đến ngày 13/10/2004, Ngày Doanh nhân Việt Nam chính thức ra đời theo Quyết định số 990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong suốt hơn 7 thập kỷ qua, giới công thương Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình, có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước nhà. Doanh nghiệp - doanh nhân thực sự là lực lượng chủ công “Doanh nghiệp là tài sản quốc gia và doanh nhân là hiền tài của đất nước" như ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Sự kiện quốc tế:

- Kể từ năm 2009, ngày 13/10 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ngày này cũng được ASEAN lấy để kỷ niệm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN.

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng trước rất nhiều thách thức của thiên nhiên. (Ảnh: Yến Hoàng - tuyengiao.vn) 

Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy hại và sức tàn phá của thiên tai đối với con người cũng như về tầm quan trọng của việc phòng tránh những rủi ro mà họ phải đối mặt, từ đó có những hành động thiết thực góp phần giảm thiểu hoặc ngăn chặn các rủi ro thiên tai.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN