Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 09/10

Thứ Tư, 09/10/2024 08:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 09/10/1874, Tổng hội Bưu chính (General Postal Union) được thành lâp với 22 quốc gia ban đầu tham gia ký hiệp ước Berne (Thụy Sỹ), sau này được đổi tên thành Liên minh Bưu chính Thế giới (Universal Postal Union - UPU). Là tổ chức chuyên ngành lâu năm nhất của Liên hợp quốc, đến nay, UPU đã hợp nhất mạng lưới bưu chính gồm 192 thành viên. Ngày 23/8/1976, Nước CHXHCN Việt Nam tuyên bố tham gia các hoạt động của UPU.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 9/10/1947: Ngày sinh của Nguyễn Thành Trung, phi công Việt Nam cài vào hàng ngũ địch, người đã sử dụng máy bay F5-E ném bom xuống dinh Độc Lập ngày 8/4/1975.

Sau khi ném bom Dinh Độc Lập, phi công Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay
 F5-E hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long.  (Ảnh tư liệu)

- Ngày 9/10/1983: Tại Hà Nội đã khai mạc Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất. Đây là đại hội thể dục thể thao cả nước, lớn nhất, đầu tiên của học sinh nước ta.

- Ngày 9/10/1995: Ngày mất của Trần Cung (1899 - 1995). Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Cư, quê làng Hội Khê, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1923, gia nhập Đông Dương cộng sản Đảng năm 1929. Năm 1946, ông là xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Sau năm 1954, ông được phân công về Đảng đoàn, Thường trực Mặt trận Tổ quốc Trung ương, sau làm Chánh tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Năm 2005, mười năm sau khi ông qua đời, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, khóa XIII đã thông qua Nghị quyết đặt tên phố Trần Cung cho đoạn đường có chiều dài 1.600m, rộng 7m, từ đường Phạm Văn Đồng qua Bệnh viện E, đường Hoàng Quốc Việt đến đường Nguyễn Phong Sắc.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 9/10/1967: Anh hùng du kích Che Guevara bị quân đội chính phủ Bolivia hành quyết. Che Guevara tên thật Ernesto Guevara de la Serna (1928 - 1967) là một nhà cách mạng người Argentina. Cuộc gặp định mệnh giữa Che Guevara và Fidel Castro năm 1955 là bước ngoặt đưa ông tham gia cuộc cách mạng Cuba lật đổ chế độ độc tài Fulgenio Batista. Năm 1966, Che Guevara đến Bolivia để lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích ở nước này nhằm lật đổ chế độ độc tài quân sự. Tuy nhiên, trong một chiến dịch, ông bị bắt vào ngày 8/10/1967 và bị hành quyết một ngày sau đó. Đến năm 1997, thi hài của người anh hùng Che Guevara mới được tìm thấy và đưa về an táng tại Cuba.

Với nhân dân Việt Nam, Che nổi tiếng với thông điệp lịch sử gửi tới những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tháng 4/1966: “Dân tộc Việt Nam thật kiên cường và dũng cảm! Hãy tạo ra hai, ba... nhiều Việt Nam. Đó là khẩu hiệu đấu tranh!”.

- Ngày 09/10/1874: Tổng hội Bưu chính (General Postal Union) được thành lập với 22 quốc gia ban đầu tham gia ký hiệp ước Berne (Thụy Sỹ), sau này được đổi tên thành Liên minh Bưu chính Thế giới (Universal Postal Union - UPU). Là tổ chức chuyên ngành lâu năm nhất của Liên hợp quốc, đến nay, UPU đã hợp nhất mạng lưới bưu chính gồm 192 thành viên. Ngày 23/8/1976, Nước CHXHCN Việt Nam tuyên bố tham gia các hoạt động của UPU.

 Biểu tượng của Liên minh Bưu chính Thế giới. (Ảnh:baotintuc.vn)

 - Ngày 9/10/2012: Malala Yousafzai, nữ sinh 15 tuổi người Pakistan, bị một tay súng Taliban bắn trọng thương vào đầu khi đang trên xe buýt từ trường trở về nhà vì đã dám đấu tranh giành quyền được đi học cho nữ giới. Cô may mắn thoát chết và hồi phục một cách thần kỳ.

Hơn chín tháng sau đó, Malala có bài phát biểu dậy sóng Liên hợp quốc: "Tôi đứng đây, một cô gái trong số nhiều cô gái. Tôi cất tiếng nói không phải cho bản thân, mà cho tất cả trẻ em gái và trẻ em trai. Tôi cất to tiếng không phải để hét, mà để những ai không có tiếng nói có thể được nghe thấy. Những người đã đấu tranh vì quyền của mình: Quyền được sống trong hòa bình, Quyền được đối xử tôn trọng, Quyền bình đẳng về cơ hội, Quyền được hưởng giáo dục...".

Ngày 12/7/2013, cũng là sinh nhật thứ 16 của Malala. Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 12/7 là "Malala Day" - ngày của quyền được học hành của các bé gái và phụ nữ khắp hành tinh. Một năm sau, Malala trở thành người trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa bình khi mới 17 tuổi./.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN