Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng

Thứ Sáu, 27/10/2023 08:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với chủ đề “Sức sống đại ngàn”, Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI nhằm tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’Ho, Churu, Mạ - một bộ phận không thể thiếu của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời, tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian.

Tối 26/10, tại thị trấn Đinh Văn,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Lâm Hà tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng lần VI, năm 2023.

Với chủ đề “Sức sống đại ngàn”, Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI nhằm tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’Ho, Churu, Mạ - một bộ phận không thể thiếu của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời, tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. Qua đó, giới thiệu đến đồng bào các dân tộc trong tỉnh, du khách trong và ngoài nước một Nam Tây Nguyên hiện đại nhưng giàu bản sắc văn hóa riêng có.

 Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng diễn ra
trong 2 ngày 26, 27/10/2023. 

Phát biểu khai mạc Ngày hội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Trần Thanh Hoài khẳng định: Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên nói chung và của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên nói riêng; là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người để diễn tả niềm vui, nỗi buồn của họ trong cuộc sống, quan hệ giữa người với người, giữa người với thần linh, với thiên nhiên. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, mức độ quan tâm đối với di sản cũng vì thế cần được tăng cường.

Tại Lâm Đồng trong thời gian qua, công tác gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc bản địa đã gặt hái được nhiều thành công. Đó là kết quả cuộc việc kết hợp chính sách về phát triển văn hóa kịp thời của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực chung tay của các cơ quan chuyên ngành bằng nhiều phương thức khác nhau.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng kỳ vọng trong thời gian diễn ra Ngày hội, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung, các nghệ nhân nói riêng sẽ cố gắng hết mình để văn hóa cồng chiêng thực sự trở thành một điểm nhấn gắn liền với niềm tự hào về vùng đất Nam Tây Nguyên.

Đêm hội “Sức sống đại ngàn” đã diễn ra với các hoạt động văn hóa đặc sắc: màn đại hòa tấu cồng chiêng và múa xoang của gần 300 nghệ nhân; tái hiện lễ cúng chiêng của người K’Ho Srê… Trong 2 ngày diễn ra (26, 27/10), Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng sẽ có nhiều hoạt động thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc anh em như: hội thi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; hội thi thể thao, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống; hội thi diễn tấu cồng chiêng và hát dân ca…

An Huy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN