Ngập lụt, chẳng lẽ lúc nào cũng tại “ông trời”?
(ĐCSVN) – Không chỉ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số đô thị khác đang đối mặt với ngập lụt mỗi khi có mưa lớn. Nhiều giải pháp chống ngập đã và đang được thực hiện, nhưng cứ mưa là ngập, chẳng lẽ lúc nào cũng tại “ông trời” (?).
Không ít tuyến phố mới ở Hà Nội, cứ mưa lớn là... ngập! (Ảnh: news.zing.vn)
Trận ngập lụt lịch sử năm 2008 đã hối thúc Hà Nội phải nhanh chóng hoàn thành Dự án thoát nước giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 8.000 tỉ đồng (ban đầu phê duyệt là 6.000 tỉ đồng, nhưng do dự án chậm tiến độ gần 6 năm lên “đội vốn” thêm 2.000 tỉ đồng). Đến nay, Dự án thoát nước giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn thành, nhưng cứ mưa lớn là Hà Nội lại được nhiều người gọi một cách chua chát thành... "Hà Lội"!
Còn Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 10 năm qua bỏ nhiều công sức, tiền của để “tuyên chiến” với tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường cao. Được biết, Thành phố đã hoàn thành 4 dự án ODA chống ngập trọng điểm; 75 dự án nâng cấp, xây mới hệ thống cấp thoát nước; 294 hạng mục công trình cấp bách để xóa bỏ các điểm ngập hiện hữu; v.v...
Và để “trị thủy” một cách căn cơ, toàn diện hơn, ngày 26/6/2016 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khởi công Dự án chống ngập với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Dự án chống ngập đặt ra mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng có diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố.
Trong lúc chờ đợi Dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng hoàn thành, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải chung sống với ngập lụt mỗi khi mưa lớn, triều cường cao.
Không chỉ các đô thị lớn bị ngập lụt, các đô thị mới với tốc độ đô thị hóa nhanh như ở thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cũng đang phải chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn.
Tình trạng ngập lụt ở đô thị, đặc biệt là đô thị lớn, với tốc độ đô thị hóa nhanh, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do tác động của biến đổi khí hậu, gây mưa, bão, lũ lụt bất thường. Chủ quan là do công tác thiết kế, chỉnh trang và quản lý đô thị chưa khoa học, đồng bộ...
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương trong nhiều năm qua đi đầu về việc phát triển đô thị, với hàng trăm dự án nhà cao tầng, khu đô thị, khu dân cư được hình thành. Đô thị phát triển “nóng” (chủ yếu là do dự án bất động sản) làm cho hệ thống thoát nước, hạ tầng giao thông đều quá tải, cùng với sông, hồ, kênh, rạch bị lấp nhiều... nên ngập lụt do mưa lớn, triều cường cao là tất yếu.
Phát triển đô thị phải đúng quy hoạch, nhưng tính liên kết trong các quy hoạch là vấn đề trọng yếu. Quy hoạch đô thị không gắn kết và hài hòa với quy hoạch giao thông, thoát nước, thủy lợi... thì khó chống được ngập lụt.
Ở nước ta có nhiều loại quy hoạch, nhiều cơ quan làm quy hoạch, nên tính gắn kết trong quy hoạch rất rời rạc, nếu không muốn nói là đôi khi có hiện tượng “mạnh ai người ấy làm”. Những bất cập này sẽ được hóa giải nếu có Luật Quy hoạch?
“Trị thủy” phải có tiền, nhưng tiền có được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào những người thực thi công vụ, nhiệm vụ! Nói thế để thấy rằng, đừng trách "ông trời" nhiều quá!