Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành VHTTDL: Đổi mới tư duy, tầm nhìn để tăng tốc, bứt phá trong kỷ nguyên mới

Thứ Tư, 18/12/2024 14:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2025, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt để đạt kết quả cao hơn năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Sáng 18/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 774 điểm cầu trên cả nước.

Với chủ đề: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", báo cáo của Bộ VHTTDL đã nêu rõ: Năm 2024, Bộ đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” bước đầu kiến tạo không gian phát triển.

Năm 2024, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới; việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đạt hiệu quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội. Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện; Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại bước đầu được quan tâm, thúc đẩy đổi mới tư duy sáng tạo, phương thức sản xuất, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật, điện ảnh đã trở thành điểm sáng trong bức tranh văn học, nghệ thuật của đất nước.

Đặc biệt, năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.

 Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025.

Năm 2024, tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Thể dục, thể thao và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác quản lý nhà nước về thể thao đã được tăng cường và mang lại những kết quả nhất định; việc hoạch định chiến lược, chính sách và triển khai các đề án, chương trình, phong trào thể thao được quan tâm; công tác đào tạo vận động viên, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức thi đấu thể thao tiếp tục có những chuyển biến; nhiều hoạt động thể thao gắn kết với văn hóa, du lịch mang lại hiệu quả cao, thu hút được sự quan tâm của nhiều địa phương, tổ chức và nhân dân và huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển.

Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước đã đạt được trong năm 2024, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý: Ngành VHTTDL cần bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để phát triển ngành, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành theo mục tiêu đã đề ra. Phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường, nắm chắc, đúng và trúng tình hình, phản ứng linh hoạt chính sách, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh, phát huy những điểm tích cực, phát huy truyền thống, sức mạnh nội sinh của ngành.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; xây dựng được con người đam mê, say sưa, có trách nhiệm, nhiệt huyết với ngành, nhất là người đứng đầu; coi công việc của ngành như công việc của nhà mình. Hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, sâu rộng. Phải làm cho người dân được hưởng thụ thành quả của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách thỏa đáng nhất.

Các đại biểu tham dự Hội nghị  tại Trụ sở Chính phủ. 

Trong năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước. 2025 cũng là năm tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải nỗ lực đạt kết quả cao hơn mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tăng trưởng GDP khoảng 8%, các bộ, ngành, địa phương đều phải theo tinh thần này, trong đó có ngành VHTTDL.

Để đạt được điều này, Thủ tướng cũng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, mà trước hết là tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện ngành VHTTDL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối. Đặc biệt phát triển hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu của ngành, sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL.

Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, ngoài nguồn lực đã có như tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực. Do đó, cần tích cực suy nghĩ, đề xuất chính sách để phát huy các hình thức hợp tác công tư rất phong phú, dư địa còn rất lớn để khai thác các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các sân vận động như Mỹ Đình…

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, dựa trên cơ sở dữ liệu. Phải xây dựng cơ sở dữ liệu ngành VHTTDL, gia tăng hơn nữa giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa.

Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…

Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VHTTDL.

Thủ tướng yêu cầu ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024./.

Tin, ảnh: TT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN