Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025

Thứ Hai, 19/08/2024 10:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 toàn ngành Giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tính lan tỏa sâu rộng.

Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 toàn ngành Giáo dục. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh/thành phố.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TH. 

 Hội nghị đặc biệt quan trọng, có tính lan tỏa sâu rộng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tính lan tỏa sâu rộng.

Theo Bộ trưởng, năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn với đà tăng trưởng khá và nhiều chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn  phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TH.

Cùng với cả nước, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; thực hiện các nhiệm vụ công tác năm của Chính phủ, cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.

Đây là cũng thời điểm toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như: Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cùng các nhiệm vụ quan trọng khác của ngành.

Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng là “học thật, thi thật, nhân tài thật”, phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”; cùng sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân, phụ huynh học sinh; đặc biệt với sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, tại Hội nghị, Bộ trưởng mong muốn nhận được ý kiến của các đại biểu, các ban, bộ, ngành Trung ương; các trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của các địa phương. Trên cơ sở đó, tham gia đóng góp các giải pháp thực hiện nhiệm quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 và các nhiệm vụ trọng trách của ngành Giáo dục được Đảng và Nhà nước giao phó.

Triển khai 12 nhiệm vụ năm học mới

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu một số kết quả nổi bật năm học 2023 - 2024. Theo đó, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được quan tâm. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ, đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo kết quả tại Hội nghị. Ảnh: TH.

Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất. Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Toàn ngành đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học.

Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung trên 27.800 biên chế cho năm học 2023 - 2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được hơn 19.400 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Thứ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó: triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; Bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non; Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng; Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên; Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: TL. 

Tại Hội nghị, các ý kiến đã tập trung trao đổi làm rõ các kết quả đạt được, chỉ ra các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn như: tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sư phạm; sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên theo hướng linh hoạt, sát thực tiễn. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến bồi dưỡng giáo viên lâu dài;  bổ sung biên chế giáo viên cho phù hợp với thực tiễn. Nâng mức hỗ trợ cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, học sinh bán trú, mức hỗ trợ tổ chức nấu ăn các trường. Sớm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo...

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trong phát biểu đã gửi lời chúc mừng ngành Giáo dục với những kết quả đạt được trong năm học 2023 - 2024, một năm học bứt phá về đổi mới giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh các kết quả, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng chỉ ra những vấn đề cần phải giải quyết, những “điểm nghẽn”, thách thức cơ bản nhất của giáo dục hiện nay cần các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương tập trung giải quyết, trong đó  “điểm nghẽn” lớn nhất chính là chất lượng nhà giáo.

GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng, bứt phá đổi mới giáo dục là nền tảng xây dựng xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập phải đi bằng “2 chân” là giáo dục và khuyến học, giáo dục phải kết hợp với khuyến học./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN