Ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số
(ĐCSVN) – Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục phải đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng khả năng quản lý doanh nghiệp, tiếp cận khách hàng trong bối cảnh nhân sự đang dần bị hao hụt.
Xu thế tất yếu
Dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực du lịch nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành. Theo đó, chuyển đổi số trong ngành du lịch là một xu thế tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thế giới cũng chứng kiến sự tăng vọt về nhu cầu kết nối trực tuyến để duy trì các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Các công cụ trực tuyến ngay lập tức phát triển mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi trong giao tiếp xã hội, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, giao dịch thương mại… và dần trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội hiện nay.
Đặc biệt trong ngành du lịch, các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán ngày càng nở rộ. Nhiều mô hình du lịch ảo ra đời thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường đã giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại dịch COVID-19 đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát, chuyển đổi số chính là một phần của chiến lược này. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ; đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. “Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh” – Ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn. (Ảnh: HL) |
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trên thế giới, ngành du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.
Theo dự đoán, chuyển đổi số sẽ tạo ra 305 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2025 và tạo ra lợi ích 700 tỷ USD cho khách du lịch và xã hội thông qua việc giảm tác động đến môi trường, cải thiện an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách.
Ngoài ra, chuyển đổi số làm thay đổi khái niệm du lịch truyền thống, từ mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị cho tới hệ sinh thái giá trị toàn cầu, làm chuyển đổi quá trình giao tiếp với khách du lịch và marketing dịch vụ du lịch, đồng thời mở ra những cách thức mới, có tính sáng tạo cao trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách.
Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Trong nỗ lực tái khởi động, phục hồi hoạt động du lịch, công nghệ số có đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho du khách, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử.
Trên thực tế, một vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi số ngành du lịch đã được nhắc đến, một số địa phương và doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp cận, tuy nhiên còn rải rác, thiếu tập trung và chưa triệt để. Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch càng thấy rõ hơn tầm quan trọng và cấp bách của việc chuyển đổi số. Công nghệ số không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành gọn nhẹ, nhanh chóng mà các công cụ trực tuyến còn giúp tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán một cách hiệu quả.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), hiện nay, du khách chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại di động thông minh nhỏ gọn để tìm kiếm đủ mọi thông tin, dịch vụ, cho nên ngành du lịch phải coi trọng vai trò của các thiết bị điện tử. Chính vì thế, một nền tảng dữ liệu lớn rất cần thiết. Ông Lê Tuấn Anh cho rằng, phải làm sao cho hình ảnh của du lịch hấp dẫn hơn, đẹp hơn, đặc biệt là trên các thiết bị di động thông minh.
Chủ tịch HG Holding Ngô Minh Đức chia sẻ: Trong bối cảnh du lịch và hàng không quốc tế gần như tê liệt vì đại dịch, chuyển đổi số đối với ngành du lịch Việt Nam là rất quan trọng. Muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch Việt, các doanh nghiệp trước hết cần xây dựng được sản phẩm tốt và tử tế, đặt khách hàng làm trọng tâm, đặc biệt là xây dựng được những sản phẩm nền tảng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam. Điều quan trọng là phải biết ứng dụng công nghệ trong marketing sản phẩm thông qua phát triển nội dung trên website với các công nghệ hiện đại; sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin và giao tiếp với khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm với các ứng dụng di động; hợp tác với các nền tảng số và các sàn giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, ông Ngô Minh Đức cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt trên thực tế gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp Việt còn yếu về công nghệ dẫn đến khó cạnh tranh với các công ty công nghệ nước ngoài. Thêm nữa là chưa có các chính sách cụ thể của Nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển thị trường và sản phẩm khi phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh. Do đó, cần có các chính sách và sự ủng hộ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, đồng thời có chiến dịch truyền thông tốt để tất cả người Việt đều ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong buổi làm việc mới đây với Tổng cục Du lịch, bên cạnh công tác chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch trong năm 2021 cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kịp thời khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu.
Tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đòi hỏi ngành du lịch phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, sớm khôi phục lại thị trường./.