Ngành Du lịch tăng tốc về đích toàn diện các mục tiêu năm 2023
(ĐCSVN) - Thời gian vừa qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch đã chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, tạo đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, kết quả lượng khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Trên cơ sở đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 tăng từ 8 triệu lượt lên 12-13 triệu lượt. Cụ thể đến hết tháng 10/2023, tổng số khách du lịch quốc tế đã đạt 9.997.928 lượt khách, đạt 76,9% so với mục tiêu đã điều chỉnh (13 triệu lượt) của năm 2023. Du lịch nội địa tiếp tục là “bệ đỡ, nền tảng” của toàn ngành với số lượng 98,7 triệu lượt khách; tương đương 96,7% kế hoạch năm 2023.
Lượng khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. (Ảnh: BC) |
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu với Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì một số Hội nghị quan trọng như: Hội nghị toàn quốc về Du lịch, Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và sắp tới là Hội nghị về phát triển du lịch với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch ở Trung ương, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật trong lĩnh vực du lịch; hướng dẫn cho cơ quan quản lý du lịch ở địa phương, doanh nghiệp, người dân chấp hành các quy định trong tổ chức kinh doanh, quản lý hoạt động phát triển du lịch.
Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động trong cả nước tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi cả hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Chính sách về visa đã có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam…
Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trướcnhư xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch.
Cùng với đó, hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, hoạt động du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của Ngành; Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia; Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới; Sự phục hồi du lịch chưa đồng đều ở một số địa phương; Công tác quản lý điểm đến có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, để xảy ra hiện tượng tăng giá dịch vụ, giá vé máy bay, nhất là trong các dịp lễ tết, chèn ép du khách.
Vì vậy để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được Ban Cán sự Đảng giao, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quyết tâm tổ chức quán triệt đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và người lao động triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/BCSĐ; Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ và Công văn số 4573/BVHTTDL-VP ngày 26/10/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực du lịch của địa phương; tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm và công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Chủ động cụ thể hoá và xây dựng kế hoạch triển khai các nhóm nhiệm vụ chung, nhiệm vụ giao cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam được nêu trong Nghị quyết 35-NQ/BCSĐ. Hiện nay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang tích cực, khẩn trương hoàn thiện nội dung trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ tổ chức Hội nghị về phát triển du lịch với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Đồng thời, tiếp tục rà soát, quyết liệt triển khai các nhóm nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được Lãnh đạo Bộ giao theo Kế hoạch công tác năm 2023, đảm bảo thắng lợi, về đích đúng hạn.
Trong thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia cũng sẽ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch đi vào nề nếp, hiệu quả. Trước mắt hoàn thành Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch. Huy động sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến Du lịch Việt Nam cả ở trong và ngoài nước với quy mô lớn, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung vào việc truyền thông rộng rãi chính sách áp dụng e-visa đến tất cả các quốc gia và tại các thị trường được áp dụng nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Cục Du lịch quốc gia tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành các chính sách tạo điều kiện cho hoạt động du lịch: chính sách thu hút đầu tư du lịch; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh; đề xuất thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài; đề xuất Chính phủ ban hành chính sách giá bán điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch phù hợp Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; đề xuất mở rộng đường bay kết nối hàng không với các thị trường quốc tế, đẩy mạnh liên kết nhằm giảm giá vé hàng không trong nước...
Đồng thời, tổ chức định hướng, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch sáng tạo thêm nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ đặc sắc, có đẳng cấp, chất lượng đáp ứng nhu cầu mới của du khách trong nước và quốc tế; tham mưu Bộ chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch, đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội trong hoạt động du lịch.