Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành dệt may và những tác động đến môi trường

Thứ Hai, 15/07/2024 16:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Ngành dệt may công nghiệp từ lâu đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế cũng như phục vụ đời sống của con người. Khi ngành dệt ngày càng được cải tiến với những kỹ thuật hiện đại thì môi trường lại càng bị tác động nghiêm trọng. Những chất thải của ngành dệt may đang trở thành một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái và môi trường sống.

Ngành dệt may có một quy trình hoạt động vô cùng phức tạp và áp dụng nhiều loại máy móc khác nhau. Trong cả quá trình, rất nhiều loại hóa chất được sử dụng để tạo nên vải dệt. Do đó, lượng chất thải ngành dệt may là vô cùng lớn.  Đầu tiên, bông sau khi nhập về sẽ được xử lí để loại bỏ tạp chất và thu được các sợi bông phẳng, làm nguyên liệu chuẩn bị dệt. Sau khi có sợi phẳng, người ta tiến hành phủ keo để sợi dệt bóng và bền hơn. Sau quá trình dệt, các tấm vải mộc sẽ được đem đi tách phần hồ còn bám trên vải bằng phương pháp enzim hoặc axit.

Kế đến là công đoạn nấu tẩy vải. Những tấm vải mộc sau khi tách hồ được giặc sạch bằng xà phòng hoặc xút rồi đem đi nấu tẩy bằng hóa chất. Việc nấu vải trong dung dịch kiềm và các loại thuốc tẩy mạnh giúp loại bỏ hoàn toàn các tạp chất còn lưu lại nhằm giúp sợi vải mềm và tăng khả năng bắt màu nhuộm hơn. Tiếp theo, tùy theo loại vải, chúng được đem đi làm bóng bằng cách ngâm trong dung dịch kiềm đậm đặc để các sợi giãn nở, tăng khả năng hấp thụ màu nhuộm.

Cuối cùng là công đoạn nhuộm vải, cũng là khâu thải ra nhiều chất thải nguy hại. Vải được đem đi nhuộm bằng thuốc nhuộm công nghiệp chứa nhiều hóa chất. Sau khi nhuộm, người ta tiến hành điều chỉnh màu vải bằng cách loại bỏ thuốc dư vào nước thải. Màu nhuộm càng đậm thì những chất thải nguy hại đi vào nước thải càng nhiều.

Ngành dệt may là ngành tiêu thụ nhiều nước, năng lượng, và chất hóa học cần cho quá trình sản xuất sợi ở một số giai đoạn khác nhau. Nhiều nguồn tin khẳng định, dệt may chính là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đứng thứ 2 toàn cầu. Do vậy, quá trình sản xuất của mình, ngành dệt may tạo ra nhiều loại chất thải, bao gồm cả dạng khí, dạng lỏng, và dạng rắn.

Ô nhiễm không khí

Các khí phát thải trong ngành dệt may được xem là vấn đề ô nhiễm thứ 2 bên trong ngành này, chỉ sau nước thải.

Nói chung có ít dữ liệu về khí thải trong ngành dệt may do khó lấy mẫu, kiểm nghiệm và lượng hóa mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên mối quan ngại về tình trạng ô nhiễm kiểu này là khá phổ biến do các cộng đồng dân cư sống hoặc làm việc gần các nhà máy dệt may có thể cảm nhận được tác động từ ngành này lên không khí.

Các nhân tố gây ô nhiễm không khí trong ngành này bao gồm: Nitrous oxide và sulphur dioxide tạo ra trong giai đoạn tạo năng lượng; Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) tạo ra trong quá trình phủ, làm khô, xử lý nước thải; Các hạt tạp sản sinh ra trong hoạt động xử lý cotton; Hơi Alinin, chlorine và chlorine dioxide... được sinh ra trong quà trình nhuộm và tẩy...

Ô nhiễm nước

Thông thường để tạo ra 1kg sợi, cần tới 200 lít nước. Có nhu cầu sử dụng nhiều nước trong quá trình sản xuất sợi bao gồm, giặt sợi, tẩy màu, nhuộm màu, và sau đó là làm sạch sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, bản thân cây bông (cotton) cũng ngốn tới 19.000 lít nước để cung cấp đủ nguyên liệu cho việc sản xuất một chiếc áo phông.

Lượng lớn nước được sử dụng và thải ra trong quá trình sản xuất là nguyên nhân làm nhiễm độc cho sinh vật sống trong nước ngay từ nguồn, bao gồm các hóa chất hữu cơ độc hại, các anion độc hại, muối, kim loại ion, các phức hợp kim loại, các bioxit, và các chất hoạt tính bề mặt.

Các chất hoạt tính bề mặt và các hợp chất như chất tẩy rửa, chất phân tán, và chất nhũ hóa được sử dụng trong hầu hết các giai đoạn của quá trình sản xuất đồ may mặc và gây ra nhiều sự sủi bọt và độc tố thải ra nước.

Ô nhiễm chất thải rắn

Ngành dệt may cũng tạo ra nhiều chất thải rắn lấp đầy các hố chôn rác và các khối nước, gây ra các vấn đề nữa về môi trường. Trên toàn cầu, mỗi năm khoảng 90 triệu mặt hàng may mặc được tống xuống các bãi chôn rác.

Một số chất rắn gây ô nhiễm phổ biến của ngành may mặc bao gồm các xơ vải, sợi thừa, sáp, kim loại phế thải, giẻ dính dầu mỡ...

Dư lượng quần áo cũ  gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống 

Chất thải ngành dệt tạo ra nhiều mối nguy hại đến hệ sinh thái và sinh vật. Vì vậy, việc xử lý chất thải trong quá trình sản xuất là vô cùng cần thiết đối với nhà máy, xưởng in nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững và lâu dài trong tương lai. Một số biện pháp nhằm giảm tác động xấu đến môi trường từ ngành dệt may được đưa ra như sau:

Sử dụng các công nghệ tiên tiến giảm lượng nước thải và tái sử dụng lại nước thải

Hạn chế nước thải ở các công đoạn của ngành dệt may và tái sử dụng nước thải là một nhu cầu rất cấp thiết hiện nay. Điều này không chỉ do vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước sạch khan hiếm mà còn ở nguyên nhân các chi phí nguyên liệu đầu vào cũng ngày một tăng khiến các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất phải tối ưu chi phí sản xuất và vận hành. Tái sử dụng nước thải còn đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái và cộng đồng. Tái sử dụng nước thải dệt may là một giai đoạn tiếp theo của quá trình xử lý nước thải trong các nhà máy dệt may, dệt nhuộm, nó giải quyết một phần lớn lưu lượng nước thải sau xử lý xả ra môi trường, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, đảm bảo một môi trường xanh sạch cho sự phát triển bền vững. Hiện nay việc tiết kiệm nguồn nước cấp, giảm nước thải đã được biết đến với một số công nghệ như: bọt nano (nano bubble, công nghệ Ozone, công nghệ cuộn ủ lạnh…).

Giảm việc sử dụng các quy trình độc hại

Một lựa chọn để các nhà sản xuất dệt may thực hiện cải tiến là phân tích quy trình nào có tác động tiêu cực nhiều nhất cho trái đất và tìm cách thay đổi hoặc loại bỏ chúng. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp không độc hại để sản xuất vải dệt không thấm nước, thoáng khí. Phương pháp này tạo ra một lớp phủ sáp carnauba trên bề mặt vải. Nhóm nghiên cứu cũng xác định rằng các nhà sản xuất dệt may có thể nhuộm và chống thấm các vật liệu một cách đồng thời bằng cách sử dụng phương pháp của họ. Với lợi thế đa chức năng như vậy, kỹ thuật này cũng có thể hỗ trợ lợi ích môi trường bằng cách giảm tài nguyên được sử dụng trong quá trình sản xuất.

Nghiên cứu lựa chọn sáng tạo vải tái chế

Ngày càng có nhiều công ty dệt may chuyển sang sử dụng vật liệu tái chế để giảm bớt tác động đến môi trường. Ví dụ công ty sản xuất nylon từ lưới đánh cá tái chế, trong khi công ty khác tập trung vào bông và polyester sau khi tiêu dùng. Chất thải không biến mất và các doanh nghiệp có tư duy tương lai này muốn tạo ra những điều mới mẻ từ nó.

Không chỉ hàng dệt may giúp ích cho môi trường thông qua việc tái chế. Một số thương hiệu cho biết các quy trình sản xuất vải dệt của họ giúp giảm 98% lượng nước sử dụng và cắt giảm 90% lượng khí thải carbon dioxide. Những loại vải mới này vẫn chưa phổ biến, nhưng chúng có thể trở nên phổ biến hơn khi mọi người biết đến chúng. Nhiều người tiêu dùng có ý thức đang mong muốn giúp đỡ hành tinh bằng cách chọn trang phục thân thiện với môi trường và đây là một cách để làm điều đó.

Vải sợi thân thiện môi trường

Vải sợi thân thiện môi trường được chú ý đến hiện nay sử dụng chất liệu có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tái chế, an toàn với sức khỏe của người tiêu dùng và quá trình sản xuất vải thân thiện với môi trường. Quy trình sản xuất những loại vải này đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt, nhằm góp phần giảm thiểu việc sử dụng hóa chất độc hại, đồng thời tiết kiệm nước, giảm lượng nước thải ra môi trường và tái tạo đất. Có thể kể đến nhiều loại vải đang được sử dụng như: vải sợi tái chế; vải sợi có nguồn gốc tự nhiên; vải lanh (Linen); Vải cây gai dầu (Hemp); vải len hữu cơ; vải sợi bán tổng hợp; vải sợi tre…

Ngừng tham gia vào xu hướng thời trang nhanh

Sự gia tăng của thời trang nhanh liên quan đến quần áo mà các nhà sản xuất dệt may nhanh chóng tung ra để đáp ứng xu hướng tiêu dùng luôn biến động. Cũng có một sự thay đổi liên quan trong sản xuất hàng may mặc lâu dài. Nhiều nhà bán lẻ thời trang nhanh mong muốn mọi người mặc quần áo vài lần rồi bỏ đi. Chu kỳ ngắn đó có nghĩa là không cần tập trung vào các mặt hàng chất lượng cao kéo dài trong nhiều năm. Điều này dẫn đến sự lãng phí cũng như tăng việc sả thải quần áo ra môi trường và làm tăng gánh nặng cho việc xử lý và bảo vệ môi trường. Các nhà sản xuất dệt may đang tìm cách để thoát khỏi cơn sốt thời trang nhanh. Nhiều công ty may mặc trên thế giới đang phản đối văn hóa vứt bỏ của thời trang nhanh./.

VH(Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN