Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm

Thứ Sáu, 22/07/2022 15:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất ngờ tăng lãi suất thêm 0,5%, đánh dấu lần đầu tiên trong 11 năm qua Ngân hàng này tăng lãi suất nhằm đối phó với tình hình lạm phát đang tăng cao.

ECB đã bất ngờ tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm qua. (Ảnh: brusselstimes.com)  

Mức lãi suất huy động âm (-0,5%) của ECB đã được duy trì kể từ năm 2014. Với mức tăng lãi suất mới này, lãi suất tiền gửi của ECB đã thoát khỏi lãi suất âm lần đầu tiên trong 8 năm, lên mức 0%. Lãi suất đối với các giao dịch tái cấp vốn tăng lên 0,5% và lãi suất cho vay là 0,75%.

Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đối mặt với lạm phát phi mã và cuộc khủng hoảng năng lượng đang cận kề.

ECB cho biết cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy mức lạm phát trung bình trong tháng 6/2022 tại khu vực Eurozone tăng kỷ lục lên 8,6%, cao hơn gấp 4 lần so với mức mục tiêu mà ECB đề ra.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát vẫn ở mức cao không mong muốn trong một thời gian nữa, do áp lực từ giá năng lượng và giá thực phẩm. Áp lực lạm phát còn cao hơn, cũng còn do biến động của tỷ giá hối đoái đồng Euro”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho hay.

Trước đó, ECB cho biết sẽ chỉ nâng lãi suất từ từ và nhiều khả năng chỉ nâng 0,25% vào tháng 7/2022, sau đó nâng mạnh hơn vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, trong bài phát biểu gần nhất, chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết "có những điều kiện rõ ràng khiến việc nâng lãi suất dần dần là không hợp lý". Dự kiến, ECB có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất tiếp theo trong cuộc họp kỳ tới vào ngày 8/9.

Khu vực Eurozone đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và việc Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt có thể đẩy nền kinh tế khối này rơi vào suy thoái.

Chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục và sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của thị trường. Mục tiêu của ECB là đưa tỷ lệ lạm phát trong khu vực về mức 2%.

ECB đang chậm hơn so với các Ngân hàng Trung ương Anh và Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh (BoK) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhiều lần tăng lãi suất trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, nhiệm vụ của châu Âu khó khăn hơn, do khu vực này chịu tác động kinh tế trực tiếp từ xung đột tại Ukraine.

ECB hiện đang nỗ lực để tạo ra sự cân bằng giữa một bên là kế hoạch tăng lãi suất để kéo giảm lạm phát và một bên là mức độ tăng lãi suất đủ lớn để không khiến nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái./. 

H.Hà (Theo Reuters, CNBC)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN