Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 26/09/2022 14:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với Nghị quyết 120 của Chính phủ được ban hành năm 2017, Việt Nam đã đạt được một cột mốc đột phá, đánh dấu sự khởi đầu từ cách tiếp cận phòng thủ khí hậu thường thấy để hướng tới mô hình “chủ động sống chung với thiên nhiên”. - Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vừa được tổ chức.

Bà Carolyn Turk (Ảnh: H.N) 

Theo bà Carolyn Turk, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi lớn hơn cùng với nhiễm mặn đã được coi là bình thường mới của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận thấy đã bắt đầu có chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với phát triển và quy hoạch ở cấp vùng - từ quy mô nông hộ nhỏ và quan điểm của tỉnh sang liên tỉnh và toàn vùng đồng bằng; từ quan điểm ngành ngắn hạn sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tổng hợp. Nền tảng của sự chuyển đổi này là quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chương trình tổng thể chuyển đổi nông nghiệp vùng.

Chuyển từ lập kế hoạch sang thực hiện, những thách thức to lớn đang phải đối mặt, theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nằm ở: i) khoảng cách về chính sách và thể chế, đặc biệt là khi liên quan đến phối hợp hành động ở cấp vùng; ii) thiếu các giải pháp tổng hợp và sáng tạo cho thách thức phức tạp về nhân khẩu học, kinh tế - xã hội, không gian và biến đổi khí hậu, chẳng hạn như dân số già, thu nhập bình quân đầu người thấp từ một số loại cây nông nghiệp như lúa, đòi hỏi chuyển đổi nông nghiệp ở quy mô lớn và sinh kế bền vững. Cũng cần phải quản lý nguồn tài nguyên nước tổng hợp hơn dựa trên lưu vực và phân tích thủy văn đầy đủ, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ bờ biển và bờ sông và sụt lún đất. Cũng cần phải phối hợp trong lĩnh vực tài chính bền vững, kêu gọi sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và tối đa hóa đòn bẩy.

Cũng theo bà Carolyn Turk, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý phát triển một dự án mới ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu; và cam kết tiếp tục hỗ trợ thông qua việc huy động kiến thức hiện đại, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu của Việt Nam; vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thịnh vượng và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. 

 

Đ.H

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN