Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngăn chặn tình trạng lao động xuất cảnh trái phép ở Điện Biên

Thứ Năm, 11/08/2016 14:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với trên 400km đường biên giới, những năm gần đây, tình trạng người lao động tại các khu vực giáp biên ở Điện Biên xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và Lào đang có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với bản thân người lao động mà còn là nguyên nhân gây mất ổn định về an ninh trật tự ở địa phương…

Tuyên truyền về quy định xuất nhập cảnh cho người dân khu vực giáp biên ở huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên)

Diễn biến phức tạp

Trước đây, việc người dân tại các khu vực giáp biên vượt biên sang nước bạn lao động cũng đã ít nhiều xuất hiện ở một số huyện biên giới của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, tình trạng này lại có xu hướng gia tăng một cách đáng báo động. Theo số liệu của Công an tỉnh Điện Biên, chỉ tính riêng trong năm 2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 1.400 trường hợp lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và Lào. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có 970 trường hợp người dân vượt biên trái phép để sang làm ăn tại nước bạn.

Sam Mứn là một trong những xã biên giới của huyện Điện Biên với đường biên giới dài, hiểm trở. Nếu đặc điểm này gây nhiều khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng thì lại là điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh trái phép của người lao động trên địa bàn. Do đó, Sam Mứn được biết đến như là một “điểm nóng” về tình trạng lao động vượt biên trái phép. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, xã Sam Mứn đã có gần 30 trường hợp vắng mặt tại địa bàn không rõ lý do. Qua xác minh, phần lớn trong số này đều là những trường hợp vượt biên trái phép sang bên kia biên giới để kiếm việc làm.

Được biết, Sam Mứn chỉ là một trong số nhiều xã biên giới của tỉnh Điện Biên đang diễn ra tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép với những diễn biến phức tạp. Phần lớn những trường hợp này đều là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ… Nhiều người đã bất chấp mạo hiểm, lén lút tìm mọi cách vượt biên trái phép sang Trung Quốc, Lào làm thuê mà không biết là họ đang đánh cược mạng sống của bản thân với sự may rủi bên kia đường biên giới. Bởi lẽ, trái ngược với viễn cảnh sung sướng do các đối tượng xấu vẽ ra, trong số những lao động xuất cảnh trái phép, người thì bị công an nước bạn bắt giam, người thì bị phạt tù; nhiều người đến nay vẫn bặt vô âm tín hoặc thậm chí phải bỏ mạng nơi đất khách quê người. 

Vốn ít có điều kiện tiếp xúc với xã hội bên ngoài, năm 2013, chị Lò Thị Thơi ở bản Đon Đứa, xã Sam Mứn tình cờ quen một đối tượng nam qua mạng xã hội. Được bạn trai rủ sang Trung Quốc bán hàng vừa nhàn lại có thu nhập cao, Thơi đã tự tìm đường sang nước bạn qua đường tiểu ngạch. Sau khi bị chính bạn trai lừa bán, may mắn là Thơi đã tự trốn thoát và trở về nước an toàn nhưng ký ức về những tháng ngày vượt biên trái phép vẫn luôn đè nặng trong suy nghĩ của Thơi. Không gặp may như trường hợp của Thơi, nghe theo lời rủ rê của bạn bè, anh Và Văn Phong ở bản Con Cang, xã Na Ư cũng đã vượt biên sang Trung Quốc để làm ăn nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, gia đình không nhận được tin tức gì. “Giờ chúng tôi chỉ mong sao nó trở về an toàn đã là may mắn lắm rồi”, chị gái anh Phong xúc động chia sẻ.

Cần những giải pháp đồng bộ

Có thể thấy, việc gia tăng tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang nước bạn là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần nhiều trong số lao động vượt biên trái phép đều là những người không có công ăn việc làm ổn định; diện tích đất sản xuất của gia đình ít, hiệu quả kinh tế không cao, đời sống gặp nhiều khó khăn… Tìm việc làm, cải thiện đời sống vì vậy đã trở thành nhu cầu bức thiết của họ, cho dù nhiều người trong số đó cũng không biết là khi sang nước bạn thì mình sẽ làm được việc gì để có thu nhập. Mặt khác, do những khó khăn về điều kiện văn hóa xã hội nên trình độ nhận thức của bà con tại các khu vực giáp biên vẫn còn có những hạn chế nhất định. Họ bị những đối tượng xấu rủ rê hoặc nghe theo những người đi trước lôi kéo, hứa hẹn qua bên kia biên giới lao động với những công việc không vất vả mà lại có thu nhập cao… Do đó, nhiều người đã quyết định lên đường vượt biên trái phép sang Trung Quốc, Lào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “Nhận thức rõ sự phức tạp của tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép sang nước bạn, hàng năm huyện đều có kế hoạch và tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về biên giới quốc gia, quy định về xuất, nhập cảnh… Tuy nhiên, do cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhận thức và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên hiệu quả ngăn chặn việc lao động xuất cảnh trái phép chưa cao”.

Thực tế ở tỉnh Điện Biên thời gian qua cho thấy, hệ lụy đi cùng với tình trạng gia tăng người lao động xuất cảnh trái phép là rất nghiêm trọng. Với những trường hợp may mắn trở về nhà thì phần nhiều đều mang theo những tổn thương về tinh thần; có những trường hợp kém may mắn, bị bắt giữ tại nước bạn hoặc bị mất tích thì còn là nguyên nhân gây lên tình hình phức tạp đối với an ninh vùng biên.

Để từng bước ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tình trạng lao động xuất cảnh trái phép, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp ở Điện Biên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật ở người dân thì cần đặc biệt chú ý đến việc tạo công ăn việc làm cho đồng bào khu vực giáp biên. Nhu cầu lao động, tìm việc làm là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của mỗi người dân. Vì vậy, cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi; lồng ghép các chương trình hỗ trợ, tài trợ, chương trình phúc lợi xã hội theo hướng tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Cần nghiên cứu, đa dạng hơn nữa việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi để người dân vùng biên giới có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Đó đồng thời cũng là cơ sở để “giữ chân” người lao động ở địa phương; góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới của Tổ quốc./.

Bài, ảnh: Tạ Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN