Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nga – Ukraine: Đàm phán tiếp tục, chiến sự tiếp diễn

Thứ Tư, 16/03/2022 12:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chiến dịch quân sự do Nga phát động tại Ukraine đã bước sang tuần thứ ba mà chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình giữa đôi bên vẫn diễn ra gần như hàng ngày, song chỉ tiến triển mờ nhạt và chưa mang lại những kết quả đột phá giúp chấm dứt xung đột.

 Một vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ảnh: CFP.

Trong một thông báo phát đi ngày 15/3, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết vòng đàm phán thứ tư giữa Ukraine và Nga sẽ tiếp tục ngày 16/3 (giờ địa phương).

Ông Podolyak, đồng thời cũng là một thành viên trong đoàn đàm phán Ukraine cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục vào ngày mai. .. Đây là một quá trình đàm phán rất khó khăn và phức tạp. Đã có những mâu thuẫn cơ bản. Song tất nhiên, vẫn có chỗ cho sự thỏa hiệp". Ông cho biết thêm, các nhóm nhỏ vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình trong khi tạm ngừng đàm phán.

Sáng 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết lập trường của Ukraine và Nga tại các cuộc hòa đàm đang có chiều hướng thực tế hơn, song vẫn cần thêm thời gian. Trong đoạn video phát cùng ngày,nhà lãnh đạo Ukraine nêu rõ: "Cuộc gặp đang tiếp diễn và tôi được thông báo rằng lập trường của hai bên trong đàm phán đã có chiều hướng thực tế hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để đưa ra những quyết định phù hợp với lợi ích của Ukraine". 

Trong khi đó, điện Kremlin vừa cho biết, ngày 15/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã điện đàm để thảo luận về tình hình Ukraine. Nhân dịp này, ông Putin đã đánh giá về triển vọng giải quyết khủng hoảng thông qua các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các phái đoàn Nga và Ukraine.

Tương tự như bầu không khí căng thẳng trên bàn đàm phán, tình hình trên thực địa cũng đang diễn biến phức tạp. Ngày 15/3, Thị trưởng thành phố Kiev của Ukraine, ông Vitali Klitschko tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô trong vòng 35 tiếng đồng hồ, từ 20h ngày 15/3 đến 7h giờ ngày 17/3 (theo giờ địa phương).

Thị trưởng Klitschko đánh giá đây là một thời điểm khó khăn và người dân Kiev cần chuẩn bị sẵn sàng ở nhà hoặc nơi trú ẩn trong hai ngày tới. Trong thời gian này, việc di chuyển xung quanh thành phố Kiev mà không có giấy thông hành sẽ bị cấm, ngoại trừ việc tới nơi cư trú bom.

Theo số liệu thống kê do Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR)  đưa ra ngày 16/3, chiến sự diễn biến phức tạp tại Ukraine trong nhiều ngay qua đã khiến hơn 3 triệu người phải chạy tị nạn sang các nước láng giềng. UNHCR dự kiến tổng số người chạy tị nạn khỏi Ukraine sẽ lên tới con số 4 triệu người.

Tuần trước, Liên hợp quốc cho biết, số người phải di tản khỏi Ukraine ước tính đã vào khoảng 1,85 triệu người, tuy nhiên con số này có thể tăng lên gần 7 triệu người trong những tháng tới.

Ukraine thừa nhận không thể gia nhập NATO

 Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết nước này cần phải thừa nhận rằng họ sẽ không thể gia nhập NATO. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine/AP)

Phát biểu trong cuộc họp các thành viên tham gia Lực lượng viễn chinh chung do Anh dẫn đầu, ngày 15/3, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết nước này cần phải thừa nhận rằng họ sẽ không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

"Rõ ràng là Ukraine không phải là thành viên NATO. Chúng tôi hiểu rằng, chúng tôi là những người có đầu óc xét đoán… Trong nhiều năm, chúng tôi đã được nghe nói về những cánh cửa được cho là đang mở, nhưng chúng tôi cũng nghe nói rằng chúng tôi sẽ không thể bước chân vào. Đó là sự thật và cần phải thừa nhận” – ông Zelensky nói.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ quan điểm về vấn đề gia nhập NATO vào thời điểm căng thẳng quân sự với Nga đang tiếp diễn. Tuần trước, đài “Nước Nga ngày nay” dẫn lời Tổng thống Zelensky cho biết ông không còn "mặn mà" với việc gia nhập NATO sau khi Kiev nhận ra liên minh này không sẵn sàng để kết nạp Ukraine.

Một trong những yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine là tư cách thành viên của nước láng giềng trong NATO phải bị loại trừ vô thời hạn. Ngày 15/3, thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev cũng khẳng định Ukraine cần thực sự đạt được tình trạng trung lập và từ bỏ ý định gia nhập NATO.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng Tuyên ngôn độc lập của Ukraine, được thông qua bởi một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1990, khẳng định con đường trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn và không tham gia vào các liên minh quân sự, không chấp nhận, không chế tạo, và không sở hữu vũ khí hạt nhân"- ông Patrushev nói.

Theo lập luận của Thư ký Hội đồng An ninh Nga thì Hiến pháp Ukraine năm 1996 cũng đề cập đến những nội dung này. Do đó, Ukraine cần đạt được tình trạng trung lập trên thực tế và loại trừ khả năng gia nhập NATO./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN