Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

NET ZERO: Chuyển dịch Xanh – Cơ hội người dẫn đầu

Thứ Ba, 27/06/2023 16:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Hội thảo “NET ZERO: Chuyển dịch Xanh – cơ hội người dẫn đầu” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch sang một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng tới việc xây dựng một hành lang pháp lý tối ưu cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam và Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital) đã tổ chức Hội thảo NET ZERO với mục tiêu góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh, đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới. Hơn 300 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các cơ quan truyền thông báo chí đã tham dự Hội thảo.

Thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững

Hiểu ngắn gọn, NET ZERO là đạt được sự cân bằng (về 0) giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng khí này được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ. Đến nay, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải trên thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu NET ZERO – phát thải ròng bằng 0. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền,  Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển dịch xanh trong bối cảnh hiện nay, nhất là với Việt Nam trong chặng đường tiến tới thực hiện cam kết “NET ZERO vào năm 2050”. Theo bà Hiền, biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, có khả năng đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, cộng đồng. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu đang có xu hướng, diễn biến ngày càng phức tạp cả về mức độ lẫn tần suất. Việt Nam cần phải rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế, vừa thích ứng và giảm thiểu các tác động do biến đổi khí hậu mang lại. Vì thế, cam kết của Việt Nam cũng chính là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Đồng quan điểm này, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, trong thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh trong đó: Hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường (BVMT), thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách gồm (1)- các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế BVMT, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường; (2)- các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động BVMT, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng. Gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh, với 3 cấu phần là: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

“Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore. Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu xanh cũng đã có những bước phát triển ban đầu. Chỉ số Phát triển bền vững VNSI được đưa vào vận hành từ năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và hoàn thiện các quy định theo chức năng về tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị công ty (ESG)”- Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

 Các diễn giả tại phiên thảo luận 1 (Ảnh: HNV)

Tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong chuyển dịch xanh

Chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết NET ZERO là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN) nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho NSNN; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, chia sẻ một số kinh nghiệm của quốc tế về chuyển dịch xanh, ông Hervé Conan, Giám đốc quốc gia AFD tại Việt Nam cho biết, trên khắp toàn cầu, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và nền kinh tế. Tăng 3 độ C sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới 10% kinh tế toàn cầu. "Chúng ta phải thay đổi ngay bây giờ. Nếu không có điều gì diễn ra, năng lượng tạo phát thải lên tới 70%. Mục tiêu NET ZERO vào năm 2050 cần chiến dịch về năng lượng và sự đồng hành của người dân. Phải có chiến lược chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng thay thế. Chiến lược của Việt Nam còn nhiều thách thức do mới chỉ ở ban đầu và còn nhiều vấn đề về kinh tế", ông Hervé Conan nhấn mạnh.

Các diễn giả tại phiên thảo luận 2 (Ảnh: HNV) 

Cũng theo ông Hervé Conan, Quy hoạch điện lưới quốc gia có kế hoạch đến 2030 và lộ trình 2050, trong đó ưu tiên đầu tư công, củng cố mạng lưới truyền tải điện, có các giải pháp thay thế năng lượng, thu hút các dự án tư nhân về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thay thế.

Việt Nam đã cho thấy cơ hội về "xanh hóa", cung cấp việc làm, công nghệ trong cuộc đua chống tác động biến đổi khí hậu, đa dạng hóa chính sách. Bên cạnh đó, cần có cơ chế về "thuế carbon". Các hàng hóa nhập khẩu phải có chi phí bổ sung đưa vào châu Âu, qua đó để sử dụng công nghệ ít carbon hơn. Hội thảo lần này là cơ hội chia sẻ các sáng kiến ở cấp độ quốc và quốc tế.

Hội thảo gồm hai phiên tọa đàm với các nội dung về "NET ZERO – Lợi thế người dẫn đầu”, thu hút sự tham dự của các diễn giả: ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Sản xuất và Phát triển sản phẩm (R&D), Ban chỉ đạo dự án NET ZERO Vinamilk; ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet; ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG Vinfast; ông Hervé Conan, Giám đốc quốc gia AFD tại Việt Nam và bà Anita H.Holgersen, Trưởng đại diện Equinor tại Việt Nam đã cũng nhau thảo luận về tầm quan trọng và cấp thiết của NET ZERO đối với lợi ích của doanh nghiệp.

 Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Liên quan tới "NET ZERO – Đòn bẩy chính sách", với sự tham dự của các diễn giả: bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Marc S. Forni, Chuyên gia Phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm họa, Ngân hàng Thế giới; PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chính sách tài nguyên môi trường; bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Arghya Mandal – Tổng giám đốc công ty cổ phần sữa TH… cùng thảo luận về các chính sách trong đó có đề cập tới bộ tiêu chí xanh và bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia đặc biệt nhấn mạnh về chuyển dịch năng lượng cần trách nhiệm của toàn xã hội và hợp tác khu vực, quốc tế hiệu quả…

Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải năm 2020 từ công nghiệp năng lượng – chủ yếu từ sản xuất điện năng. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt mục tiêu NET ZERO. Để đạt được phát thải NET ZERO sẽ rất tốn kém, tuy nhiên, nghiên cứu của ngân hàng Thế giới cho thấy mức giảm phát thải carbon toàn cầu có thể tăng thêm 50% hằng năm khi có thị trường carbon.

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ hơn để đồng hành cùng quốc tế hướng tới mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (zero) trước năm 2050, nhằm kiểm soát nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C, tránh các thảm họa khí hậu nặng nề và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, hiện thực hóa mục tiêu NET ZERO vào năm 2050 sẽ tốn kém và cần xây dựng lộ trình chiến lược phản ánh các mức nỗ lực khác nhau của mỗi lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng, nhằm giúp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc đạt NET ZERO./.

Lê Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN