Nepal liên tiếp hứng chịu động đất
(ĐCSVN) – Sau khi hứng chịu các trận động đất mạnh gây thiệt hại nặng nề vào cuối tuần qua, Nepal lại tiếp tục chịu sự tác động của trận động đất mạnh 5,2 độ vào ngày 6/11.
Một tòa nhà bị hư hại trong trận động đất ở Jajarkot, Nepal, ngày 4/11/2023. (Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Nepal/Reuters) |
Truyền thông Ấn Độ đưa tin tâm chấn của động đất mới nhất ở Nepal cách thành phố Ayodhya, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ 233 km về phía Bắc, với độ sâu chấn tiêu là 35 km. Động đất đã khiến nhiều tòa nhà tại New Delhi và vùng lãnh thổ thủ đô của Ấn Độ rung lắc.
Theo Trung tâm Địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải, ngày 6/11, một trận động đất mạnh 5,2 độ đã xảy ra ở Nepal, tiếp theo đó là một trận động đất nhỏ hơn khiến 3 người bị thương. Một trận động đất khác cũng xảy ra ở quốc gia này vào ngày 5/11 và có thể cảm nhận được ở Kathmandu và Delhi, gây ra lở đất, làm hư hại nhà cửa, đường sá, cơ sở hạ tầng… Các trận động đất này xảy ra chỉ vài ngày sau khi một trận động đất có độ lớn 6,4 đã tàn phá khu vực phía Tây Nepal hôm 3/11, khiến 157 người thiệt mạng và hơn 250 người bị thương. Trong đó, có tới 82 trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng.
Giới chức Nepal cho biết khoảng 10.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa sau trận động đất xảy ra vào cuối tuần qua, trong đó nhiều gia đình mất tất cả vì nhà cửa đổ nát. Các bệnh viện đang phải vật lộn để đối phó với số người bị thương và hơn 300 trường học đã bị phá hủy. Sạt lở đất ở khu vực miền núi đang gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng viện trợ và thực phẩm cần thiết đến các ngôi làng xa xôi.
Đây là trận động đất gây thương vong lớn nhất kể từ 2 trận động đất kép xảy ra năm 2015, khiến khoảng 9.000 người thiệt mạng, đồng thời gây thiệt hại 6 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia trên dãy Himalaya này.
Nepal nằm ở một khu vực nơi khối lục địa Ấn Độ và lục địa Á-Âu va chạm với nhau. Khi khối lục địa Ấn Độ dần tiến về khối lục địa Á-Âu, nó tạo ra hiện tượng mà các nhà địa chất gọi là đứt gãy nghịch (thrust fault). Trong đứt gãy nghịch, một mảng lục địa sẽ bị dồn lên trên mảng kia. Thông qua tiến trình này mà dãy Himalaya hùng vĩ đã hình thành. Tuy nhiên hiện tượng đứt gãy nghịch cũng kéo theo nguy cơ xảy ra các trận động đất rất lớn.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), các trận động đất tại Nepal tương đối nông, có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại và dư chấn hơn so với động đất xảy ra sâu dưới bề mặt Trái Đất./.