Nền tảng công dân số iHaNoi chính thức vận hành
(ĐCSVN) - Đây là kênh tương tác thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Chỉ với “một chạm để kết nối”, mỗi công dân sẽ dùng tài khoản số riêng tương ứng với các ứng dụng, tiện ích, dịch vụ phát triển trên môi trường điện tử của Thủ đô.
Ngày 28/6, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) cho biết, tại Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06/CP năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã Công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06/CP do đơn vị triển khai.
Thành phố Hà Nội, với đặc điểm là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa quốc gia, một siêu đô thị với hơn 10 triệu dân đã được Chính phủ lựa chọn làm thí điểm một số nội dung của Đề án 06 hiệu quả để nhân rộng ra toàn quốc. Các bài toán công nghệ đặt ra cho Thủ đô được xác định là quy mô lớn và độ phức tạp cao. Lãnh đạo thành phố đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng các giải pháp chuyển đổi số theo đúng tinh thần “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích”.
Xác định sứ mệnh đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số, trong đó trọng tâm là nhiệm vụ Đề án 06, ngay từ những ngày đầu Đề án được thông qua, Viettel Solutions đã chủ động nghiên cứu bám sát lộ trình, tham mưu và đề xuất những giải pháp chuyển đổi số phù hợp phù hợp với đặc điểm của cư dân, kinh tế, xã hội, phục vụ đời sống của người dân, công tác lãnh đạo thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành và thành phố tại sự kiện (Ảnh: Viettel Solutions cung cấp) |
Trong đó, ứng dụng nền tảng công dân số iHaNoi (công dân Thủ đô số) gồm 4 chức năng chính: (1) là tương tác với chính quyền qua phản ánh kiến nghị; (2) là tiện ích đô thị thông minh như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp…; (3) là tiếp nhận thông tin qua tin tức, truyền thông quan trọng của thành phố và (4) là tiếp nhận sáng kiến đóng góp xây dựng Thủ đô.
Thông qua tiện ích camera giao thông trên ứng dụng, người dân có thể chủ động lựa chọn lộ trình đi phù hợp, tránh ách tắc giao thông qua dữ liệu ảnh tức thời tại các tuyến đường trong giờ cao điểm.
iHanoi được thiết kế là nền tảng dữ liệu mở, cho phép dễ dàng tích hợp, chia sẻ thông tin với các hệ thống khác, từ đó người dân có cơ hội trải nghiệm nhiều tiện ích như tra cứu điểm đỗ xe và đặt chỗ trước, thanh toán…
Ứng dụng cũng cung cấp tiện ích sổ sức khỏe điện tử - ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội từ lúc sinh ra cho đến suốt đời. Dữ liệu được bảo mật, người dân có quyền quyết định chia sẻ hay không chia sẻ các thông tin cá nhân.
Với kỳ vọng đổi mới phương thức tổ chức và điều hành các cuộc họp của UBND thành phố, phòng họp số, phòng họp thông minh tích hợp ứng dụng họp không giấy tờ (eCabinet) giúp giảm tối đa thời gian họp, hoàn toàn sử dụng văn bản điện tử, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý các công việc của lãnh đạo thành phố. Phòng họp thông minh là sự kết hợp của các giải pháp gồm phần mềm thông minh; cơ sở vật chất hiện đại; tài liệu được số hóa.
Theo đại diện Viettel Solutions, Hà Nội sẽ sớm vận hành thí điểm hệ thống giao thông thông minh gồm trung tâm điều hành giao thông thông minh (TOC) cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông và quản lý khai thác hạ tầng giao thông hiệu quả.
Trong giai đoạn tiếp theo, Viettel Solutions với thế mạnh về hạ tầng số, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất triển khai các mô hình giải pháp cho Hà Nội, bám sát Đề án 06, ứng dụng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo trong nhận diện sinh trắc học phục vụ y tế, giáo dục, hành chính công; triển khai các giải pháp giao thông thông minh, giải pháp tạo môi trường làm việc số cho thành phố…/.