Nền kinh tế nhựa: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
(ĐCSVN) - Kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp hàng đầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, bằng cách giữ lại những giá trị của nhựa trong nền kinh tế và giảm rò rỉ nhựa ra môi trường.
Việc sản xuất và sử dụng nhựa đã tăng theo cấp số nhân trong những thập kỷ qua, gây ra những hậu quả và chi phí lớn cho môi trường, cả trên biển và trên cạn, sức khỏe con người và khí hậu.
Không chỉ rác thải nhựa gây ô nhiễm thực phẩm, nước và đại dương, rác nhựa chiếm tới 85% rác thải biển; việc sản xuất, sử dụng và quản lý chất thải nhựa cũng tạo ra khoảng 4% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Ngành công nghiệp nhựa là nguồn phát thải khí nhà kính công nghiệp nhanh nhất trên thế giới. Theo kịch bản kinh doanh thông thường, vòng đời của nhựa có thể gây ra tới 19% lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2040.
Rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường |
Các mô hình tuần hoàn nguyên vật liệu, tái chế rác thải nhựa đều cần đến công nghệ cao, đầu tư lớn.
Trong bối cảnh đó, giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này là bẻ hướng dòng chảy để nhựa được tuần hoàn, quay lại phục vụ đời sống thay vì bị thải bỏ. Các giải pháp giúp nâng cao khả năng và năng lực tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn (KTTH) và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Công cụ có tên “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế” dự kiến sẽ tuân theo một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, bao gồm cả quá trình sản xuất, thiết kế và thải bỏ.
Những tác nhân gây ô nhiễm khí nhà kính trải rộng khắp vòng đời của nhựa, từ việc tìm nguồn nguyên liệu thô, sản xuất, sử dụng và quản lý chất thải nhựa. Hiện tại, 99% nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất nhựa đều dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Chỉ 1-1,5% nhựa được sản xuất trên thế giới là có nguồn gốc sinh học, tức là có nguồn gốc từ sinh khối như ngô, mía hoặc lúa mì. Và chưa đến 10% nhựa trên thế giới được tái chế.
Hiện nay, nhu cầu và sự khuyến khích đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh đang gia tăng. Do đó, việc nhận thức được và tiến hành chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp và doanh nghiệp nào nhận thức, chuyển đổi sớm sẽ có lợi thế. Đồng thời, đóng góp vào những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chúng ta phải hạn chế thấp nhất việc sử dụng các sản phẩm nylon khó phân hủy và nhựa dùng một lần để tăng cường, khuyến khích, hình thành thói quen việc sử dụng những sản phẩm xanh.
Đây là một trong những điểm sáng, khiến cho người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng những sản phẩm xanh sạch thay thế cho những sản phẩm thông thường.