Nâng tầm giáo dục Thừa Thiên Huế
(ĐCSVN) - Năm học 2023 - 2024 đánh dấu một giai đoạn phát triển vượt bậc của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế. Những thành tựu đạt được trong năm học này không chỉ củng cố vị thế của giáo dục Thừa Thiên Huế mà còn đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của cả nước.
Với tầm nhìn chiến lược, Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định quan trọng, tạo động lực phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, các nghị quyết như Nghị quyết 135/NQ-HĐND về phát triển giáo dục giai đoạn 2020 - 2030 và Nghị quyết 35/2022/NQ-HĐND về xây dựng Trường THPT chuyên Quốc học Huế thành điểm sáng về chất lượng giáo dục đã giúp định hướng phát triển giáo dục của tỉnh trong những năm tới.
Thừa Thiên Huế có quy mô mạng lưới trường lớp từ bậc mầm non đến cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục tư thục khác đã được phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. |
Quy mô mạng lưới trường lớp từ bậc mầm non đến cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục tư thục khác đã được phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia hiện đạt 74,7%, phản ánh sự nỗ lực nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và môi trường học tập. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được cải thiện rõ rệt, góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn trong tỉnh.
Giáo dục mũi nhọn tại Thừa Thiên Huế tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024, tỉnh đã có 74/93 học sinh đạt giải, đạt tỷ lệ 79,6%, cao hơn mức trung bình toàn quốc. Đặc biệt, một học sinh của tỉnh đã đoạt Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 35 (IBO 2024) và một học sinh vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 - Đây là lần thứ hai liên tiếp và lần thứ bảy tỉnh có học sinh tham dự chung kết cuộc thi này. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng là một trong năm địa phương có tỷ lệ tuyển sinh đại học nhập học cao nhất cả nước.
Đại Học Huế với 44.647 sinh viên, với 3.609 cán bộ giảng viên, trong đó có 807 Tiến sĩ, 17 Giáo sư và 193 Phó Giáo sư. |
Ấn tượng là tỷ lệ tốt nghiệp và kết quả thi THPT Quốc gia, cụ thể tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 của Thừa Thiên Huế đạt 99,4%, tăng so với năm 2023. Thừa Thiên Huế đạt mức điểm thi trung bình 6,74, xếp thứ 23/63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm trước, phản ánh sự tiến bộ trong chất lượng giáo dục phổ thông.
Công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang mang lại những kết quả tích cực. Vào tháng 6/2024, dữ liệu giáo dục của tỉnh đã được tích hợp liên thông lên cổng dữ liệu quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này không chỉ nâng cao tính minh bạch trong quản lý giáo dục mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý dữ liệu giáo dục một cách chính xác và kịp thời.
Hiện tại, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế có 19.041 người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, với sự gia tăng số lượng lớp học và học sinh, nhu cầu biên chế giáo viên cần bổ sung trong năm học 2024 - 2025 là 622 người để đáp ứng sự gia tăng số lượng lớp học và học sinh. Dự kiến, đến năm học 2025 - 2026, ngành giáo dục của tỉnh sẽ cần 20.660 nhân sự, trong đó có khoảng 16.377 giáo viên.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được cải thiện rõ rệt, góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn trong tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Về mặt tài chính, tổng chi ngân sách dành cho giáo dục năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt trên 3.817 tỷ đồng. Mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đạt khoảng 8%, cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh vào lĩnh vực này.
Niềm tự hào của giáo dục Thừa Thiên Huế, không thể không nhắc đến Đại học Huế. Đại học với 44.647 sinh viên, với 3.609 cán bộ giảng viên, trong đó có 807 Tiến sĩ, 17 Giáo sư và 193 Phó giáo sư. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi nằm trong nhóm 1201 - 1400 trong bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds và xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng các đại học châu Á năm 2024. Điều này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Đại học Huế trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, góp phần làm rạng danh giáo dục Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Năm học 2023 - 2024 là một năm thành công với nhiều thành tựu đáng ghi nhận của ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế. Những kết quả này không chỉ là niềm tự hào của tỉnh mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục của cả nước, định hình tương lai của thế hệ trẻ và khẳng định vai trò trung tâm giáo dục chất lượng cao của Thừa Thiên Huế./.