Nắng nóng gia tăng, nguy cơ cháy rừng cao trong đợt cao điểm
(ĐCSVN) – Dự báo từ ngày 19/4 đến ngày 24/4, ở khu vực Tây Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng gia tăng và gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt hơn 39-40 độ C. Cảnh báo có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hoả hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Cập nhật một số tin tức đáng chú ý trong nước về tình hình môi trường, cháy rừng và phòng chống thiên tai, cháy rừng ở nước ta trong thời gian nắng nóng kéo dài:
Bắc Giang tăng cường biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024.
Nguy cơ cháy rừng thường xảy ra khi nắng nóng dài ngày |
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCCR. Bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Điện Biên cảnh báo cháy rừng cấp độ 5
Theo dự báo của Đài KTTV tỉnh Điện Biên, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 – 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, chỉ từ 35 - 40%, thời gian nắng nóng kéo dài từ 11-17 giờ/ngày nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Điện Biên cảnh cáo cháy rừng ở cấp độ 5 – cực kỳ nguy hiểm |
Chi cục Kiểm lâm Điện Biên thống kê, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 104 điểm cháy. Nhận thấy tình hình, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên đã yêu cầu, tất cả cá nhân, tổ chức, người dân trên địa bàn dừng việc đốt dọn thực bì đến hết tháng 5/2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng cũng đưa ra khuyến cáo, nắng nóng có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao, vì vậy, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiểm soát tất cả nguồn lửa có thể gây cháy rừng như, hút thuốc, đốt ong… trong thời kỳ cao điểm này.
Sơn La nắng nóng gay gắt kéo dài, tăng cường giải pháo chống hạn
Theo dự báo từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La, ngày 17-18/4, nắng nóng và nắng nóng gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 -39 độ, có nơi trên 40 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 25-35%. Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Diện tích cây bị héo khô do thiếu nước tưới ở Sơn La |
Chính vì chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, trên địa bàn huyện Thuận Châu có khoảng 141ha lúa có khả năng bị hạn, trong đó, trên 93ha diện tích bị hạn hẳn, không có nguồn bơm. Có khoảng 75 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn tại Thuận Châu có khả năng thiếu nước; nhiều diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, cây cà phê đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới, sản lượng sụt giảm.
Chính quyền, địa phương cần hỗ trợ tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh Sơn La đã giao Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn để chủ động kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.
Hà Tĩnh chỉ đạo tăng cường phòng, chống nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, thiếu nước, xâm nhập mặn
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung đã chỉ đạo, đồng thời tập trung triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể.
Hè tới, cần phòng chống nắng nóng, hạn hán diễn ra ở Hà Tĩnh |
Các sở, ngành, công ty, địa phương đang tập trung theo dõi và dự báo kỹ lưỡng về tình hình thời tiết, khí hậu, và thủy văn, đặc biệt là về nguồn nước và nguy cơ xâm nhập mặn. Quá trình tiến hành kiểm kê, đánh giá và cân nhắc cần phải chính xác, nhanh chóng nhằm sử dụng nguồn nước hiện có của các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa và đập dâng, cũng như trạm bơm nước trên các dòng sông và suối.
Mục tiêu là xây dựng kế hoạch tưới và các phương án chống hạn cho mùa hè thu năm 2024, tùy thuộc vào từng công trình và từng khu vực cụ thể. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương để thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm chống lại hạn hán, đặc biệt là đối với các diện tích nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng. Trong tình huống hạn hán, ưu tiên cao nhất là đảm bảo cung cấp nguồn nước cho mục đích sinh hoạt cấp bách của cộng đồng. Đồng thời, cũng tăng cường công tác quản lý vận hành để giảm thiểu tổn thất nguồn nước và đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất.