Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nắng nóng cực đoan sẽ còn tiếp diễn ở châu Âu

Thứ Tư, 20/07/2022 22:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 19/7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo đợt nắng nóng cực đoan ở châu Âu có thể kéo dài đến giữa tuần tới, trong khi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tiếp diễn ít nhất cho đến những năm 2060.

Nắng nóng cực đoan ở châu Âu có thể kéo dài đến giữa tuần tới

 Một người đàn ông đang thư giãn dưới làn nước mát trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Hà Lan,ngày 19/7/2022. (Ảnh: Xinhua)

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại diện WMO – ông Robert Stefanski nhấn mạnh: "Câu hỏi mà mọi người đang đặt ra đó là thời điểm mà những hiện tượng này kết thúc. Thật không may, kết quả phân tích tất cả các mô hình từ các đối tác của chúng tôi ở cấp quốc gia và khu vực cho thấy điều này sẽ không thể diễn ra cho đến tận giữa tuần tới”.

Theo ông Stefanski, đợt nắng nóng đã lên đến đỉnh điểm ở Tây Âu và đang di chuyển về phía Đông. “Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn sẽ cao hơn nhiều so với bình thường” – quan chức của WMO lưu ý.

Theo dữ liệu do Tổng thư ký WMO Petteri Taalas đưa ra, vào lúc 11 giờ sáng 19/7 (theo giờ địa phương), nhiệt độ ở Anh đã tăng lên mức cao kỷ lục là 39,1 độ C. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, nền nhiệt đo được đã tăng trên 40 độ C tại London Heathrow.

Theo đánh giá của ông Taalas: “Các đợt nắng nóng kỷ lục đang xuất hiện thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu”. Tổng thư ký WMO ví von hiện tượng này giống như việc các vận động viên sử dụng chất kích thích để tăng cường hoạt động. Hiện tượng này cũng tương tự với thời tiết khi chúng ta thải ra bầu khí quyển các tạp chất như khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là carbon dioxide.

Không chỉ tại Anh, nắng nóng cực đoan đang hoành hành tại nhiều nước khác ở châu Âu. Ngày 19/7, các nhà chức trách Hungary đã nâng cảnh báo nắng nóng lên cấp độ 3 trong bối cảnh quốc gia này đang hứng chịu một đợt nắng nóng như thiêu đốt. Cảnh báo dự kiến sẽ có hiệu lực cho đến ít nhất là nửa đêm ngày 23/7. Đây là cảnh báo nhiệt cấp độ 3 thứ hai mà Hungary đưa ra trong mùa hè này. Lần cảnh báo nhiệt gần đây nhất được đưa ra ngày 27/6 và kéo dài ba ngày.

Ngày 19/7, một đợt nắng nóng nghiêm trọng cũng quét qua Hà Lan, đẩy nền nhiệt tại nước này lên mức cao kỷ lục kể từ năm 1901.

Trong khi đó, nhiệt độ cao kỷ lục cũng được ghi nhận vào cùng thời điểm ở Thụy Sĩ và phần lớn miền Nam nước Pháp. Dự báo, trong ngày 20/7, Italia sẽ đối mặt với một đợt nắng nóng diện rộng ở cấp "mã đỏ" tại chín thành phố, trong đó có Rome, Florence và Bologna. Giới chức Italia đã cảnh báo người dân và khách du lịch nên ở trong nhà vào những giờ nóng nhất trong ngày.

Cần hành động để giải quyết các vấn đề về khí hậu

 Người dân đi qua một biển báo nhiệt độ 46 độ C tại Bilbao, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Bên cạnh việc gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, người đứng đầu WMO cảnh báo rằng các đợt nắng nóng cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, làm trầm trọng thêm tình trạng mất mùa vốn đã rất nghiêm trọng do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Thậm chí tại nhiều quốc gia, một số lĩnh vực kinh tế - bao gồm cả du lịch vốn chỉ mới bắt đầu hồi phục hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 cũng đang phải gánh chịu hậu quả.

Ông Taalas dự báo rằng các đợt nắng nóng gay gắt có thể xảy ra hàng năm trong những thập kỷ tới và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn ra  ít nhất cho đến những năm 2060 "bất kể chúng ta đạt được những thành công nào trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Trong khi đó, bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO, cảnh báo biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo nhiều cách. Hiện 99% dân số toàn cầu đang hít thở không khí không đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe do WHO đặt ra, tác động rất lớn đến các bệnh mãn tính về hô hấp và tim mạch.

Giải pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng này là chúng ta cần đề ra những tham vọng để giải quyết các nguyên nhân gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Bà Neira nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cảnh báo từ lâu rằng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người… Không những thế, điều này cũng sẽ tác động đến cuộc đấu tranh để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 và quá trình chuyển đổi quan trọng sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo”.

Quan chức của WHO cũng đồng thời cảnh báo người cao tuổi và những người có tình trạng sức khỏe yếu sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn do đợt nắng nóng sẽ diễn ra trong những tuần tới. Điều này sẽ đặt ra những thách thức đối với hệ thống y tế, để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng trong những ngày nắng nóng ./.

Thu Lan (Theo UN, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN