Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân Việt Nam
(ĐCSVN)- Ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được các mục tiêu phát triển, trong đó tập trung vào việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ; tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng những yêu cầu của đất nước.
Ngày 9/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã khai mạc Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Toàn quốc lần thứ 15, với sự tham gia của gần 450 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ nghiên cứu về lĩnh vực hạt nhân trong và ngoài nước; nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học trong nước.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được các mục tiêu phát triển, trong đó tập trung vào việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ; tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng những yêu cầu của đất nước.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết hội nghị lần này đã có sự lớn mạnh về quy mô tổ chức, số lượng đại biểu, đặc biệt là nội dung và chất lượng các báo cáo khoa học, góp phần định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, đồng thời tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân của Việt Nam.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Toàn quốc lần thứ 15 đã tuyển chọn gần 200 báo cáo từ các nhà khoa học, nghiên cứu để phục vụ cho các nội dung trao đổi, thảo luận, trong đó có 131 báo cáo được trình bày tại phiên toàn thể và tại các tiểu ban.
Sau phiên khai mạc, Hội nghị tiến hành phiên toàn thể với 20 bài tham luận được trình bày từ các diễn giả là khách mời, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bệnh viện và các tổ chức uy tín trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam và quốc tế.
Tiến sỹ In Cheol Lim - Phó Chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc, Tiến sỹ Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Giáo sư, Tiến sĩ Jozef Misak (Viện Nghiên cứu Hạt nhân Cộng hòa Séc) đã trao đổi về lịch sử hoạt động, các kết quả nghiên cứu hiện tại và định hướng phát triển của ngành năng lượng và công nghệ hạt nhân của Hàn Quốc, Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Tại phiên toàn thể còn diễn ra cuộc tọa đàm bàn tròn giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna (JINR) về kết quả nghiên cứu và triển vọng hợp tác giữa hai bên; các chuyên gia đầu ngành cùng trao đổi về các vấn đề như nghiên cứu chùm tia phóng xạ tại FLNR…
Theo dự kiến, sau phiên toàn thể diễn ra trong ngày 9/8, 7 tiểu ban chuyên môn của Hội nghị sẽ cùng báo cáo các nội dung riêng, tập trung vào lĩnh vực như công nghệ lò phản ứng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề an toàn phản ứng, nhà máy điện hạt nhân; vật lý hạt nhân cơ bản, các số liệu hạt nhân, các công nghệ máy gia tốc cùng các kỹ thuật hạt nhân liên quan; Vấn đề ghi nhận bức xạ và môi trường ở Việt Nam, mạng quan trắc phóng xạ và cảnh báo quốc gia; Các ứng dụng của công nghệ bức xạ trong đời sống xã hội; Ứng dụng bức xạ trong y tế, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp và môi trường.
Được khởi xướng từ năm 1996, Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Toàn quốc được tiến hành định kỳ 2 năm/lần nhằm công bố những kết quả mới về nghiên cứu, ứng dụng, giảng dạy trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân của Việt Nam và quốc tế.
Hội nghị diễn ra đến hết ngày 11/8./.