Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao sức chống chịu nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thứ Hai, 19/09/2022 11:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới bởi đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ…

 TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.  Ảnh: QH

Đó là khẳng định của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề ‘’Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững’’ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội.

Trình bày tham luận tại Phiên toàn thể, TS. Cấn Văn Lực cho biết, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại.

Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới bởi đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tham luận của TS.Cấn Văn Lực cũng tập trung đánh giá về sự cần thiết phải nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế; khung phân tích về năng lực chống chịu của nền kinh tế; đánh giá năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam và một số kiến nghị.

Qua các đánh giá về từng cấu phần và nhóm chỉ số tổng thể đưa ra, TS.Cấn Văn Lực cho biết, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình khá, trong đó các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp.

Mức độ ảnh hưởng của các cú sốc đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới; cần lưu ý là, rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các chỉ tiêu kinh tế - tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn (khả năng chống chịu giảm xuống) nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, TS.Cấn Văn Lực cho rằng cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững.

Đồng thời hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam và có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế…/.

Khánh Thi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN