Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
(ĐCSVN)- Sáng 27/9, tại trụ sở Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra cuộc Đối thoại trực tuyến có chủ đề “Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” do Báo điện tử phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.
Talkshow Kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức. |
Đây là hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 15 năm “Ngày Khuyến học Việt Nam”; hưởng ứng và tích cực thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng phát động; triển khai thực hiện “Tháng Khuyến học”, “Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời” và động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tham dự đối thoại trực tuyến có 3 khách mời, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí GS.TS Phạm Tất Dong, Cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam |
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân về khuyến học, khuyến tài
Ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1277/QĐ-TTg lấy ngày 02/10 hằng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam”. Trong nhiều năm qua, cùng với sự đổi mới của đất nước, công tác khuyến học, khuyến tài có nhiều sự đổi mới và đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Kết quả đầu tiên là việc các cấp Hội khuyến học phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu cho Đảng, Chính phủ, rồi các cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đây là sự chuyển biến rất lớn.
Thứ hai, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền với nội dung hình thức đa dạng phong phú, góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, công tác phát triển tổ chức hội, hội viên rất được quan tâm trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo báo cáo của hội khuyến học các tỉnh, thành phố, đến nay số hội viên khuyến học cả nước đạt trên 26 triệu người, đạt tỷ lệ gần 28% dân số. Trong khi đó mục tiêu đến năm 2026, số hội viên chỉ tiêu đạt ra là 25% dân số, như vậy đã vượt hơn 2 năm so với mục tiêu đạt ra. Đây là một thành tích rất là lớn.
Hoạt động của Hội khuyến học không chỉ dừng lại ở các cấp cơ sở mà cả trong lực lượng vũ trang, trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp được triển khai trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong hai nhiệm kỳ gần đây mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Thứ tư, phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập, gia đình học tập, dòng họ tộc, cộng đồng học tập, đơn vị học tập. Do vậy đã xuất hiện nhiều điển hình và nhân tố mới, nhiều gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu, phong trào khuyến học bám rễ và ăn sâu và lan tỏa đến cơ sở, cộng đồng, ngay cả trong các dòng họ, gia đình. Đây là một thành tựu lớn để góp phần đưa chỉ số giáo dục của chúng ta phát triển tốt hơn.
Thứ 5 là phối hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, các cấp hội thường xuyên quan tâm phối hợp với các ngành dọc nói riêng, trung ương Hội phối hợp với 14 các ban, bộ, ngành Trung ương để tạo ra một lực lượng làm công tác xã hội đồng bộ, hiệu quả trong giáo dục, huy động các lực lượng cùng tham gia.
Thứ 6, Quỹ khuyến học, khuyến tài của các cấp hội phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở theo đúng tôn chỉ, đúng mục đích, quản lý có hiệu quả. Có thể nói rằng, việc hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôn vinh những người vượt khó học giỏi, tôn vinh những em học sinh hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo vươn lên duy trì giảng dạy… góp phần tích cực hỗ trợ công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường. Có thể khẳng định, Hội khuyến học từ Trung ương đến địa phương chưa có sai sót trong việc sử dụng Quỹ, điều này đã tạo lòng tin trong xã hội.
Thứ bảy, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác khuyến học, khuyến tài, từ đó đề ra được giải pháp thiết thực, kịp thời trong công tác khuyến học. Do vậy, những chủ trương đề ra về giáo dục, về khuyến học, khuyến tài đều được đánh giá từ tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở đó có những giải pháp đề xuất với Ban Bí thư, với Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định Chương trình 677.
Thứ tám, công tác kiểm tra, đánh giá luôn được Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm. Do vậy, nhiều điển hình, những nhân tố mới đều được tổng kết, biểu dương kịp thời. Đây là 8 điểm nổi bật trong công tác khuyến học trong nhiệm kỳ vừa qua.
GS.TS Phạm Tất Dong, Cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam |
GS.TS Phạm Tất Dong, Cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam: Công nhận người đạt danh hiệu “Công dân học tập” buộc phải gắn thêm những kỹ năng số
"Khuyến học, khuyến tài" được hiểu là những hoạt động vận động, khuyến khích người dân ở mọi độ tuổi học tập thường xuyên, học suốt đời để có tri thức mới, hình thành những kỹ năng mới giúp lao động hiệu quả hơn, cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn. Nhiều người nghĩ rằng hoạt động khuyến học chỉ là vận động các phần thưởng, phần quà, các suất học bổng rồi trao cho học sinh. Nhưng đó mới chỉ là một phần hoạt động, không phải là mục tiêu của khuyến học, khuyến tài.
Mục tiêu của khuyến học, khuyến tài là thúc đẩy xây dựng cả nước ta trở thành một xã hội học tập, tức một xã hội mà ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính,… Hay nói cách khác, "xây dựng cả nước thành một xã hội học tập" là mục tiêu chính, còn "khuyến học, khuyến tài" là phương tiện để đạt được mục tiêu đó.
Bởi lẽ kiến thức là vô tận, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày nay thay đổi từng giờ, từng phút, còn rất nhiều kiến thức và kỹ năng người lớn chưa thể nắm vững hết được. Và để thích nghi, phát triển với môi trường hiện đại, bắt buộc người lớn phải học. Trong nhà máy, có thiết bị máy móc mới, công nghệ mới hoàn toàn, nếu không học thì công nhân đó sẽ bị đào thải. Hay như việc buôn bán ngày nay cũng là buôn bán trực tuyến qua điện thoại di động, rồi thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, nếu không học thì doanh thu của người đó sẽ không khá lên được, thậm chí sụt giảm. Hay ngay cả việc giải trí bằng điện thoại, máy tính, truyền hình thông minh… Tất cả đều cần mỗi công dân đều phải học, học suốt đời.
Khi trong xã hội có sự phát triển của giáo dục điện tử và học tập trực tuyến, phương thức học mọi lúc mọi nơi được áp dụng. Việc học tập tại nhà cũng được thực hiện như một cách học cần thiết cho bất cứ ai đặt kế hoạch học tập suốt đời. Do vậy, đưa học tập về giao đình là một xu thế học tập tích cực trong giai đoạn chuyển đổi số.
Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy việc tự động hóa sản xuất và hàng loạt hoạt động trong dịch vụ và kinh doanh bằng việc đưa các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, Robot 3D v.v..., đồng thời chương trình chuyển đổi số quốc gia đang gia tăng áp lực về hình thành và phát triển những năng lực số ở mọi người dân trong xã hội. Vì thế, Bộ tiêu chí đánh giá công nhận người đạt danh hiệu “Công dân học tập” buộc phải gắn thêm những kỹ năng số.
Đồng chí Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa |
Đồng chí Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa: Khuyến học, khuyến tài xây dựng không phải của riêng ngành giáo dục
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm đến sự học của con em. Do đó, Thanh Hóa là một điểm sáng trong công tác khuyến học từ tỉnh đến huyện đến cơ sở. Số lượng hội viên ở Thanh Hóa phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu, tức là bao phủ toàn bộ các cấp hội từ tỉnh xuống đến các chi hội. Ngay cả đối với lực lượng vũ trang, hay là các trường cao đẳng, đại học về Thanh Hóa cũng đều có nghị quyết, chỉ thị sớm cho ra đời các tổ chức hội ở đây.
Cho đến nay, tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu hội viên, đạt tỷ lệ 28,3% dân số toàn tỉnh, cao hơn tỷ lệ cả nước. Trong đó, số hội viên là đảng viên hơn 212 nghìn người, chiếm tỷ lệ hơn 20% trong tổng số hội viên, chiếm tỷ lệ 90% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Chúng tôi luôn ý thức rằng là “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, cho nên phải có yếu tố đảng viên phù hợp với Kết luận 49 của Ban Bí thư khóa XII “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, qua đó cho thấy chất lượng hội viên tăng lên rõ rệt.
Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu phối hợp cả chiều rộng và chiều sâu, tổ chức nhiều hình thức chuyển tải các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, Chính phủ, của Ủy ban nhân dân tỉnh đến tận người dân, góp phần nâng cao chuyển biến nhận thức trong công tác khuyến học, khuyến tài. Hằng năm, Hội khuyến học tỉnh Thanh Hóa tổ chức phát động cuộc thi viết, biên tập thành sách những gương người tốt, việc tốt làm khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội tiêu biểu. Sau đó phát hành tài liệu này xuống tận thư viện xã phường, thị trấn. Đây là một số những công việc mà công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực.
Đặc biệt, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã ký kết chương trình phối hợp với 32 đơn vị như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể, các hội thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai giai đoạn 2011-2016; 2016-2021; 2021-2026; Từng năm tổ chức hội nghị đánh giá chương trình phối hợp và triển khai nhiệm vụ năm mới. Nhờ vậy, chúng ta thay đổi quan niệm rằng khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập không phải của riêng ngành giáo dục, của riêng Hội khuyến học mà đây là của toàn bộ hệ thống chính trị.
Thường xuyên chăm lo việc học tập cho người lớn, đạt được kết quả cao, đóng góp tích cực vào nâng cao dân trí, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tác động trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh. Hội 3 cấp đã có nhiều hoạt động khuyến khích và hỗ trợ việc học tập thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và người dân, nhất là nông dân bằng nhiều hình thức, phương thức phù hợp; đặc biệt đang làm nòng cốt trong việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng. Trong 10 năm (2013-2013) các Trung tâm đã mở 216.515 lớp học, thu hút được hơn 16 triệu lượt người học.
Đây trở thành một thiết chế giáo dục ở cơ sở - là trường học của cộng đồng, hoạt động vì cộng đồng, đã và đang cung ứng các cơ hội học tập miễn phí thường xuyên cho người lớn cần gì học nấy, tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động và công tác quản lý các Trung tâm được xếp trong các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Hội Khuyến học tỉnh đã sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ giáo dục và đào tạo trong nhà trường, góp phần duy trì quy mô, tăng thêm các điều kiện thuận lợi, tạo công bằng xã hội và môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.
Các cấp hội đã tích cực vận động học sinh khuyết tật, học sinh bỏ học giữa chừng ra lớp, góp phần duy trì sỹ số học sinh, chống bỏ học; tổ chức quản lý học tập, rèn luyện của học sinh ở khu dân cư, giúp xây dựng góc học tập và quản lý học sinh học tập bằng tiếng loa, tiếng kẻng, tiếng trống khuyến học vào đầu các buổi tối.
Hàng năm Hội Khuyến học tỉnh đã trao học bổng cho hàng vạn học sinh, sinh viên diện mồ côi, khuyết tật, con em gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, học khá giỏi với mức học bổng từ 500.000 đồng/người đến 30 triệu đồng/người và trao thưởng cho học sinh, sinh viên, có thành tích cao trong học tập, rèn luyện, trong các kỳ thi, v.v;
Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã coi trọng và tích cực vận động xây dựng, phát triển Quỹ Khuyến học để phục vụ nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đến năm 2022 Quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt gần 380 tỷ đồng, bình quân tiền quỹ trên 100.000/đồng/người dân cao nhất cả nước. Đã có 15 huyện Hội có chân quỹ trên 1 tỷ đồng trở lên; có trên 35 Hội xã có chân quỹ trên 300 triệu đồng trở lên;..
Tôi tin tưởng, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Thanh Hóa, với những thành quả đạt được thì chắc chắn công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội tập tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới ngày càng phát triển một cách vững chắc./.
(Còn nữa)