Nâng cao năng lực chủ thể hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia, nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là mục tiêu trọng tâm và nhu cầu bức thiết trong giai đoạn đầu triển khai các đề án hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Toàn cảnh buổi họp toàn thể của Ban Điều hành Đề án 844. (Ảnh: BL) |
Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi họp toàn thể nhằm đánh giá kết quả đã đạt được của Đề án năm 2023, thông qua kế hoạch hoạt động năm 2024 và định hướng kế hoạch hoạt động Đề án những năm tiếp theo.
60/63 tỉnh, thành ban hành quyết định triển khai Đề án 844
Báo cáo những kết quả đạt được của Đề án, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 cho biết: Năm 2023 đánh dấu nhiều biến động của môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) nói riêng tại Việt Nam.
Giai đoạn 2022 - 2023 là giai đoạn khó khăn chung trên toàn thế giới, gắn liền với những nỗ lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy với nhiều hoạt động xây dựng chính sách, kết nối thu hút nguồn lực quốc tế, phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Năm 2023, dù vẫn duy trì thứ hạng trong top 60, song Việt Nam đã giảm 4 bậc trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (StartupBlink), xếp thứ 58/100 so với thứ hạng 54/100 trong năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng như cũ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đã tăng 2 bậc xếp hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu GII, xếp thứ 46/132. Với thứ hạng này, Việt Nam đang duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ xếp sau Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (xếp thứ 5), Malaysia (xếp thứ 36) và Thái Lan (xếp thứ 43).
Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong thập kỷ qua, đồng thời cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ KNST từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú. Tính tới nay, 60/63 tỉnh thành đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 844 tại địa phương; khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; 84 vườn ươm và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên toàn quốc. Trong năm vừa qua, nhiều trung tâm hỗ trợ KNST quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, điển hình có thể kể đến sự xuất hiện của “Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul” tại Đà Nẵng, hay Trung tâm K-Startup trực thuộc Cơ quan hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (KOSME) tại Hà Nội...
Hiện đang có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các startup Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Số lượng nhà đầu tư thiên thần tuy không quá lớn nhưng cũng đang tăng dần, hiện có 3 tổ chức lớn hoạt động năng động nhất bao gồm: Vietnam Silicon Valley Accelerator, CLAS ExparaVietnam Accelerator và Vietnam Startup Acceleration Fund.
Tuy nhiên, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động Khoa học - Công nghệ Đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, mức đầu tư vào hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) còn thấp và có xu hướng sụt giảm trong thời gian qua. Nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là mục tiêu trọng tâm và nhu cầu bức thiết trong giai đoạn đầu triển khai các đề án hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ KH&CN cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Nhằm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đang tồn tại của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ông Phạm Dũng Nam cho biết, Ban Điều hành Đề án 844 sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương từ cấp trung ương đến cấp triển khai cụ thể nhằm thống nhất định hướng, chia sẻ nguồn lực phù hợp đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục tăng cường phối hợp, khơi thông, thu hút nguồn lực về vốn, tài chính, cơ sở hạ tầng, chuyên gia từ cả khu vực công, khu vực tư nhân và lực lượng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cho khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư từ các cá nhân, tổ chức, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước, quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư của Việt Nam, các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844, phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: BL) |
Có chính sách đặc thù ưu đãi cho các tổ chức lớn, nòng cốt
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết: Thông qua đánh giá hoạt động năm 2023, các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh, các thành tố cơ bản đã được hình thành. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn là vấn đề hình thành, quản lý các tổ chức về cơ chế chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn vướng mắc. Chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo; các địa phương chưa sử dụng được cơ sở vật chất đưa vào hoạt động…
Bên cạnh đó, thời gian qua, chúng ta đã đưa ra nhiều khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo… Việc sử dụng khái niệm không được chuẩn xác đôi khi gây sự hiểu lầm, sự lúng túng trong quản lý, đặc biệt là trong việc xây dựng thông tin và chính sách…
Theo Thứ trưởng, việc xây dựng hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Trên cơ sở đề xuất của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần phải tổ chức đánh giá Đề án 844, khẩn trương xây dựng một nghị định của Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc trong toàn bộ hệ thống trong đó có những chính sách đặc thù ưu đãi cho các tổ chức lớn, tổ chức nòng cốt.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý để có cơ chế tổng thể chung tránh việc chúng ta có một cơ chế đặc thù nhưng lại thiếu một cơ chế tổng thể cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại buổi họp, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, với nhiều mô hình hoạt động khác nhau. Các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, giao cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội (Đề án 844, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - Đề án 939, Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp - Đề án 1665, Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…) được triển khai tích cực, có sự phối hợp, liên kết với nhau để hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững, toàn diện.
Trong giai đoạn tiếp theo, để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong đó đặc biệt hướng tới làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan là ưu tiên cần làm về mặt chính sách.
Ban Điều hành Đề án 844 cũng đã thảo luận và đề xuất những chính sách ưu đãi, khuyến khích mang tính trọng tâm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức đổi mới sáng tạo, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt là những cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính sẵn có từ trong nước, nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực; cơ chế tài chính đặc thù cho các hoạt động đào tạo, ươm tạo cho khởi nghiệp sáng tạo./.