Nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực
(ĐCSVN) – Ngày 24/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm về kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực, Đại hội XII của Đảng đặt ra yêu cầu rất cao về kiểm soát quyền lực, trong đó chỉ rõ phải hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật kỷ cương. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chế tài về kiểm soát quyền lực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành khảo sát, tọa đàm tại một số địa phương. Mục tiêu của Trung ương tới đây là phải có các giải pháp để cán bộ không thể lạm quyền, không dám lạm quyền.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, tập trung phân tích, nêu rõ những giải pháp để nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực. Một số ý kiến cho rằng trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế từ Đảng đến chính sách pháp luật, từ đó mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định theo Điều lệ Đảng và quy định của pháp luật. Chú trọng xây dựng các quy định, quy chế nội bộ, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội để tham gia giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước...
Có ý kiến kiến nghị, hàng năm Trung ương nên có quy định để cấp trên đánh giá cấp dưới như: Bộ Chính trị đánh giá các tỉnh, thành ủy; Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy đánh giá các quận, huyện, thị ủy; Bí thư đánh giá các Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy...
Kiểm soát quyền lực chính là kiểm soát con người, do đó cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đổi mới từ công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn đúng những cán bộ có tâm, có tầm. Cùng với đó, cấp ủy các cấp phải hết sức quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời, để kiểm soát quyền lực, còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát; đổi mới trong giao nhiệm vụ theo hướng 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ kết quả; xây dựng các cơ chế, chính sách một cách đồng bộ; tăng cường công khai minh bạch, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.../.