Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao hiệu quả cảnh báo nguy cơ mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất

Thứ Hai, 12/02/2024 16:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Hiện nay, dù chưa được như yêu cầu thực tiễn nhưng với mạng lưới đo mưa tự động phủ khắp toàn quốc đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả trong cảnh báo nguy cơ mưa lớn diện rộng, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

 Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) với phóng viên trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo KTTV những năm qua, đặc biệt trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai?

Ông Hoàng Đức Cường: Hiệu quả của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian qua đã có những đóng góp hết sức thực tế đối với xã hội. Minh chứng điển hình là năm 2019 - 2020, trong dự báo hạn mặn, nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn mặn và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long, nhưng mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu, đặc biệt là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng khoảng 10% so với các năm hạn mặn khốc liệt trước đây.

Một dẫn chứng khác là năm 2022, dự báo sát về cường độ bão số 4 (bão Noru) đã giúp Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương các cấp, người dân, doanh nghiệp chủ động phòng, chống thiên tai hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản của nhân dân… nếu không được dự báo trước được 2-3 ngày và có ứng phó kịp thời thì thiệt hại về người và tài sản trong cơn bão Noru còn nhiều hơn so với cơn bão Ketsana năm 2009 có tính chất tương tự (thiệt hại 187 người và khoảng 1 tỉ USD).

Năm 2023, nhờ sự chủ động dự báo, cảnh báo sớm về El nino và các nguy cơ có khả năng diễn ra đã giúp cho công tác chủ động điều tiết nguồn nước hạn chế đến mức thấp nhất những tác động và thiệt hại trong việc thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất điện năng.

PV: Được biết công tác KTTV đã tăng cường theo dõi từ sớm, từ xa các hiện tượng thiên tai để giảm thiệt hại cho người dân. Xin ông cho biết, để đạt được kết quả này, ngành KTTV đã đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại, đồng bộ như thế nào?

Ông Hoàng Đức Cường: Ngành KTTV đã chuyển dần từ đo đạc thủ công sang đo đạc tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu kết hợp các nguồn thông tin dữ liệu của hệ thống quốc gia và hệ thống chuyên dùng của bộ ngành và thuê hệ thống của một số doanh nghiệp nhằm đảm bảo giám sát tốt các thông tin và các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc KTTV.

Với hệ thống 10 trạm ra đa thời tiết được nâng cấp, đầu tư, chúng ta có thể giám sát cấu trúc bão, đặc điểm các cơn bão, áp thấp nhiệt đới khi tiến vào gần đất liền, qua đó có thể cảnh báo chính xác hơn cường độ, hướng di chuyển của bão cũng như khả năng gây mưa lớn, gió mạnh đến các khu vực ven bờ và sâu trong đất liền. Với hệ thống ra đa này, chúng ta cũng đã từng bước nâng cao được chất lượng cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá hạn cực ngắn.

Mạng lưới hơn 3.000 trạm đo mưa tự động được đầu tư thay thế mạng lưới đo mưa trước đây là một trong những bước tiến rõ rệt của ngành KTTV khi áp dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, từng bước chuyển đổi số mạng lưới quan trắc.

Hiện nay, dù chưa được như yêu cầu thực tiễn nhưng với mạng lưới đo mưa tự động phủ khắp toàn quốc đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả trong cảnh báo nguy cơ mưa lớn diện rộng, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

 Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn. (Ảnh: Tuyết Chinh)

 PV: Để triển khai hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, năm 2024 ngành KTTV có giải pháp gì để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Để triển khai hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, năm 2024 ngành KTTV sẽ thành lập, tổ chức kiểm tra thi hành pháp luật KTTV tại các 12 tỉnh/thành phố theo phê duyệt của Bộ TN&MT. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo KTTV thực hiện tốt công tác chuyên môn, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Đồng thời, đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành KTTV thông suốt trong mọi tình huống; thu thập, xử lý, lưu trữ số liệu KTTV đầy đủ, chính xác; phát báo quốc tế số liệu KTTV thời gian thực hiện đảm bảo đúng quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới.

Ngoài ra, Tổng cục sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hiện đại hóa ngành KTTV đến năm 2025, thời kỳ 2026-2030.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN