Nâng cao giá trị kinh tế của nguồn lợi sứa biển
(ĐCSVN) – Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn sứa biển Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới.
Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam. Ảnh: TL |
Theo nhóm nghiên cứu, collagen là một protein cấu trúc đã được ứng dụng rộng rãi từ rất lâu như một nguyên vật liệu quan trọng trong ngành y dược, mỹ phẩm và thực phẩm với giá trị kinh tế rất lớn. Hiện nay, nguyên liệu sản xuất collagen chủ yếu là xương và da của lợn, trâu bò và sinh vật biển.
Collagen có nguồn gốc từ nguồn tài nguyên biển đã được công nhận có nhiều ưu điểm hơn so với collagen từ các nguồn nguyên liệu khác, như có độ an toàn cao, ít có nguy cơ truyền bệnh, nguồn nguyên liệu phong phú và năng suất chiết xuất lại cao hơn so với các nguồn nguyên liệu khác.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu tách chiết collagen từ các sinh vật biển khác nhau nhưng trên đối tượng sứa biển còn rất hạn chế. Trong khi đó, sứa lại là một nguồn cung cấp nguyên liệu đầy hứa hẹn để sản xuất collagen.
Sứa biển Việt Nam có trữ lượng rất lớn (hàng triệu tấn) và công suất khai thác lên tới hàng trăm nghìn tấn/năm. Do vậy, xét về mặt kinh tế và ý nghĩa xã hội thì sứa biển được xem là đối tượng ưu việt có thể dùng làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất collagen.
Trong khi đó, hiện sản lượng khai thác sứa hàng năm trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng rất lớn, nhưng hiện nay sứa chủ yếu chỉ được chế biến thô, đa phần là các sản phẩm sơ chế phục vụ tiêu thụ nội địa làm thực phẩm và xuất khẩu với giá trị kinh tế rất thấp. Do đó, việc tìm ra công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế của nguồn lợi sứa biển hiện nay nói chung và sứa biển Việt Nam nói riêng là hết sức cần thiết.
Hơn nữa, Việt Nam chưa có và thế giới cũng có rất ít các công trình nghiên cứu về tách chiết collagen từ sứa biển, trong đó hướng ứng dụng công nghệ enzyme hứa hẹn có nhiều ưu thế như hiệu suất thu hồi cao, tăng chất lượng sản phẩm, giảm thời gian tách chiết, ít tạo ra các sản phẩm phụ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Xuất phát từ thực tế đó, mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị ứng dụng enzyme để tách chiết collagen từ sứa biển Việt Nam phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến nay, đề tài đã hoàn thành và một số vượt chỉ tiêu so với đăng ký.
Đáng chú ý, đã xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị ứng dụng enzyme để tách chiết collagen từ sứa biển Việt Nam quy mô từ 1.000kg nguyên liệu/mẻ; đã sản xuất được tổng số 522kg bột collagen có độ tinh khiết từ 82,6% đến 83,7%, đảm bảo độ an toàn và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, đã sản xuất được tổng số 75.000 viên nang thực phẩm chức năng chứa collagen (hàm lượng ≥ 200 mg/viên) đảm bảo độ an toàn và chất lượng theo quy định của Bộ Y tế; thiết lập được hồ sơ cơ sở về tiêu chuẩn và chất lượng nguyên liệu sứa, sản phẩm bột Collagen Jelly từ sứa biển Việt Nam, viên nang thực phẩm chức năng CollaJell chứa collagen.
Hiệu quả kinh tế của việc áp dụng quy trình sản xuất collagen từ sứa biển cũng đã được tính toán và đánh giá. Cụ thể, trong trường hợp hoạt động theo công suất 5.000kg nguyên liệu/mẻ, 8 mẻ/ngày trên dây chuyền thiết bị tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Vĩnh Hoàn Collagen thì tổng doanh thu/năm đạt tới 1.141,720 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 623,387 tỉ đồng.
Hiện nhóm nghiên cứu đang xây dựng 01 hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho giải pháp kỹ thuật “Quy trình chiết xuất collagen từ sứa biển Việt Nam”.
Để đề tài sớm được triển khai vào thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề nghị, cần hoàn thiện công nghệ và thiết bị ở quy mô công nghiệp nhằm tăng hiệu suất sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng quy mô sản xuất và nhân rộng ra nhiều cơ sở sản xuất nhằm tận dụng hết nguồn nguyên liệu sứa còn rất lớn ở biển Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục phát triển các nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm thứ cấp có ứng dụng nguyên liệu collagen sứa biển, thương mại hóa các sản phẩm đưa vào phục vụ đời sống…/.