Nâng cao giá trị cho cá chình bông Phú Yên nhờ xây dựng chỉ dẫn địa lý
(ĐCSVN) - Viện Thổ nhưỡng Nông hoá phối hợp với một số cơ quan liên quan đang triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên” nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị của sản phẩm của tỉnh trên thị trường.
Mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình. Ảnh: TL |
Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bờ biển Phú Yên dài 189 km, có nhiều dải núi nhô ra biển hình thành các vùng eo, vịnh, đầm phá. Nơi đây có các vùng bãi triều nước lợ, cửa sông đã tạo ra các dòng hải lưu giàu dinh dưỡng. Vùng nước lợ ven biển khoảng 21.000 ha là các bãi đẻ, sinh trưởng của các loài thủy sản, là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản, đặc biệt là cá chình bông. Việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cá chình bông Phú Yên là việc làm cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của loài cá này trên thị trường.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, thuộc Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với một số cơ quan liên quan đang triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên” nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất; nâng cao giá trị, phát huy danh tiếng của sản phẩm cá chình bông tỉnh Phú Yên; giúp người nuôi, người kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao nhận thức của người nuôi theo quy trình chặt chẽ, tạo ra những sản phẩm giá trị; góp phần vào phát triển du lịch gắn sản phẩm với vùng địa danh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cá chình là đối tượng có giá trị dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Theo y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc dùng thịt và một số bộ phận của cá chình để làm thuốc, cá chình được gọi là Mạn lệ ngư. Giá thu mua trên thị trường trong nước hiện nay là 500.000 - 700.000 đồng/kg. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trở thành một trong những nước có sản lượng cá chình lớn của thế giới, nhờ có điều kiện khí hậu và nguồn nước rất thuận lợi, có nguồn giống trên 10 triệu con/năm ở các tỉnh miền Trung, nên sản lượng có thể đạt tới 8.000-10.000 tấn/năm.
Một trong những hộ nông dân tham gia mô hình nuôi cá chình bông tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: TL |
Phú Yên là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về nguồn giống cá chình bông. Nguồn cá chình giống chủ yếu thu vớt từ tự nhiên tại địa phương, với ngư cụ khai thác là lưới mành kết hợp với ánh sáng. Nghề nuôi cá chình ở nước ta bắt đầu ở tỉnh Phú Yên khoảng những năm 2000, sau đó lan rộng ra các tỉnh phía Nam và hiện nay đã phát triển ra nhiều tỉnh trong nước.
Ở Phú Yên có nhiều vị trí đánh bắt cá chình rất thuận lợi cho công tác làm giống như ở sông Ba (TP. Tuy Hòa), sông Bàn Thạch (Đông Hòa), đập Tam Giang (Tuy An). Một số ngư dân dùng vợt mùng trong 1 đêm có thể bắt được 1000 – 5000 con cá chình con cỡ 45 – 55 mm, số lượng 5.500 – 6.000 con/kg. Sự phân bố cá chình bông ở Phú Yên tương đối rộng, chúng có mặt hầu hết các thủy vực nước ngọt và đầm phá Phú Yên.
Hiện nay, mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở huyện Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa,...
Thông tin từ hộ nông dân tham gia mô hình nuôi cá chình bông cho biết: “Cá chình bông là vật nuôi mới, còn nhiều lạ lẫm với người dân chúng tôi. Ban đầu khi tiếp cận với vật nuôi này, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các cán bộ kỹ thuật, trình độ nuôi cá chình của các hộ dân chúng tôi phần nào đã vững vàng. Với giá bán như hiện nay, người dân chúng tôi sau một vụ nuôi 18 – 24 tháng có thể thu lãi được 70.000 đến 80.000 đồng/con”.
Mô hình nuôi cá chình bông đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân tỉnh Phú Yên và là một trong những hướng đi giúp người dân làm giàu bền vững.
Ông Kiều Công Thoại – xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: "Mình thấy ở quê mình nguồn giống cá chình rất nhiều, tại sao mình không đẩy mạnh nó. Từ đó mình tìm hiểu và về đầu tư xây hồ, nghề bếp là nghề chính và nuôi thêm cá chình vì đam mê, nó thôi thúc mình mang lại giá trị dinh dưỡng. Bên cạnh giá trị dinh dưỡng thì giá trị kinh tế cũng rất cao. Đó là động lực để mình nuôi cá chình"./.