Nâng cao chất lượng ngành xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số
(ĐCSVN) - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và ngày càng diễn ra mạnh mẽ, trên mọi lĩnh vực. Với lĩnh vực xuất bản, chuyển đổi số giúp xuất bản chất lượng, hiệu quả với nhiều lợi ích hơn.
Ngày 14/12, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Lý luận chính trị tổ chức Tọa đàm khoa học “Xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”. Đây là một trong các chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Nhà xuất bản Lý luận chính trị (2003-2023).
PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Mậu Tuân, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo của Vụ Các trường Chính trị, Tạp chí Lý luận chính trị, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Viện Thông tin khoa học và đông đảo cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản Lý luận chính trị.
Tọa đàm khoa học “Xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” diễn ra ngày 14/12 tại Hà Nội. (Ảnh: PV) |
Xuất bản số - phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, TS Nguyễn Mậu Tuân khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản (bao gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm). Quá trình ra đời và hoàn thiện không ngừng của sách kỹ thuật số, với những tiện ích vượt trội so với sách in giấy đã và đang mở ra một “chân trời mới” cho ngành xuất bản. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn được quan tâm của các đơn vị xuất bản, phát hanh thời gian qua và tương lai. Xuất bản số sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản.
Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số hoạt động xuất bản của Việt Nam đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Xuất bản đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thích nghi với cơ chế thị trường và từng bước hình thành thị trường phát hành sách đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu của độc giả. Để nhìn nhận lại quá trình chuyển đổi số này, tiếp tục đưa xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa thực sự có chuyển biến trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà xuất bản Lý luận chính trị tổ chức Tọa đàm khoa học “Xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số”. Tọa đàm vừa là sinh hoạt khoa học vừa là hoạt động trong chuỗi kỷ niệm 20 năm thành lập của Nhà xuất bản. Quá trình chuẩn bị tọa đàm rất công phu, nghiêm túc trên tinh thần khoa học cao. Ban Tổ chức đã nhận được nhiều tham luận các nhà khoa học. Các tham luận có nội dung rất phong phú và hàm chứa nhiều tri thức, nhiều kinh nghiệm hữu ích”.
Trong khuôn khổ Toạ đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, biên tập viên cùng chia sẻ, trao đổi về các nội dung: xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chuyển đổi số; vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản; thực trạng và những cơ hội, thách thức của ngành xuất bản trong chuyển đổi số hiện nay; những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển Nhà xuất bản Lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; phương hướng, giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản nói chung và chuyển đổi số ở Nhà xuất bản Lý luận chính trị nói riêng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm (Ảnh: PV) |
Cần thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để chuyển đổi số thành công
Tại Tọa đàm, PGS.TS Dương Trung Ý trình bày tham luận về “Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chuyển đổi số và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản hiện nay”. Theo PGS.TS Dương Trung Ý, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước đòi hỏi ngành xuất bản phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần đi nhanh, đi trước để thu hút nguồn lực. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, chuyển đổi số hoạt động xuất bản với việc tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành xuất bản Việt Nam đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Quá trình chuyển đổi số xuất bản ở nước ta đã đạt được một số kết quả nhất định từ phát triển công nghệ số hỗ trợ hoạt động xuất bản; phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung; triển khai hệ thống trợ lý ảo trong biên tập xuất bản… đến thâm nhập trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử... Quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong ngành xuất bản cũng đặt ra thách thức và vấn đề cần chú ý liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật thông tin; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Cùng với đó là việc xác định mô hình kinh doanh của các nhà xuất bản cho phù hợp môi trường chuyển đổi số, không gian số để không bị lạc hậu, không theo kịp xu thế phát triển của thời đại…
Bàn về xu hướng, tính tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: chuyển đổi số là tất yếu, nếu chuẩn bị sớm thì lợi thế hơn, chuyển đổi số với công nghệ càng cao càng dễ sử dụng, người lao động càng nhàn hạ và hiệu suất lao động càng cao. Do đó, giải pháp quan trọng để chuyển đổi số thành công là: nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, người lao động về chuyển đổi số để sẵn sàng nhập cuộc; cần xây dựng thể chế, văn bản pháp quy của Học viện và Nhà xuất bản, đây là công việc quan trọng quyết định cho việc triển khai chuyển đổi số thành công hay không; chuẩn bị về nguồn nhân lực, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ hiện có của Nhà xuất bản đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ; tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng đọi ngũ cộng tác viên là các chuyên gia đầu ngành về lý luận chính trị…
TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin của Học viện trình bày tham luận “Xu hướng xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số”. Đồng chí khẳng định: từ bức tranh phát triển xuất bản thế giới những năm qua, có thể nhận diện một số chuyển biến chính của xuất bản trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Thời gian tới, xu hướng chuyển đổi số là không thể không diễn ra trong lĩnh vực này. Cụ thể, lĩnh vực xuất bản sẽ: chuyển biến về mô hình và quy trình xuất bản; xuất hiện của các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống; phương thức sản xuất mới gắn với yêu cầu mới về nguồn nhân lực… Tất cả những thay đổi trên buộc quy trình tác nghiệp cũng như chính bản thân mỗi người làm công tác xuất bản phải thay đổi.
Với lĩnh vực xuất bản, chuyển đổi số giúp xuất bản chất lượng, hiệu quả với nhiều lợi ích hơn. Chuyển đổi số trong lĩnh vực này là một quá trình, yêu cầu sự đồng bộ, tiếp nối, nhưng cũng cần sự linh hoạt, chủ động trong thực hiện trên thực tế. Để chuyển đổi số thành công trong xuất bản cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, tư tưởng của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người thực hiện, từ đó, tạo quyết tâm cao trong thực hiện. Bên cạnh đó, cần xác định mô hình tổ chức bộ máy, vị trí việc làm của các nhà xuất bản để bố trí nguồn nhân lực phù hợp, phát huy sở trường của các bộ trong công tác. Việc chuẩn bị về hạ tầng số, dữ liệu số, cơ sở vật chất, phương tiện để chuyển đổi số cần được quan tâm đúng mức. Mặt khác, cần có sự chuẩn bị thể chế, cơ chế chuyển đổi số phù hợp, đồng bộ, hiệu quả./.