Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách tư pháp

Thứ Tư, 28/03/2018 17:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hội thảo “Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách tư pháp từ thực tiễn thực hiện vai trò, chức năng của Chính phủ” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 28/3 đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Chính phủ trong thực hiện cải cách tư pháp.

Vai trò quan trọng của Chính phủ trong CCTP

Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương cho thấy, Chính phủ có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện hoạt động CCTP, thông qua việc tổ chức, thực thi pháp luật; đề xuất xây dựng luật; quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc… Trong quá trình chỉ đạo và triển khai xây dựng Luật, Pháp lệnh đã dành sự ưu tiên rất lớn cho việc đề xuất, xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh trực tiếp thể chế hóa các chương trình CCTP; bám sát các định hướng đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị về CCTP. Các dự án Luật được xây dựng, ban hành trong thời gian vừa qua đã góp phần đưa công tác đi vào chiều sâu và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong CCTP hiện nay.

Ông Trịnh Xuân Toản, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo CCTP Trung ương
phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TH).

Ban Cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tư pháp theo Hiến pháp 2013, tham gia ý kiến đối với các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân(TAND) 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014,…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các nhiệm vụ CCTP của Chính phủ có một số bất cập, hạn chế như: việc lập chương trình xây dựng  Luật, Pháp lệnh theo nhiệm kỳ hàng năm trong một số trường hợp chưa sát thực tế, thiếu dự báo mang tính chiến lược; Nhiều dự án Luật phải điều chỉnh xin rút, trong đó có các Luật thuộc lĩnh vực tư pháp, ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội…

Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật

Nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp có vai trò cốt lõi trong thực hiện nhiệm vụ CCTP, song ông Trịnh Xuân Toản, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo CCTP Trung ương chỉ ra, hiện nay, công tác này mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn khi việc đào tạo cử nhân Luật đang “bung ra như nấm” mà không có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó đề nghị, cần có đánh giá lại và có kế hoạch đào tạo trọng tâm.

Đặc biệt, Chính phủ với vai trò nhiệm vụ của mình cần quan tâm hơn việc phân bổ ngân sách cho các cơ quan Tư pháp để các cơ quan này có thể chủ động trong công tác chuyên môn của mình…

Đồng quan điểm, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng để công tác CCTP thành công, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ tư pháp; hỗ trợ chăm lo cơ sở vật chất cho Tòa án, Viện kiểm sát. Cùng với đó, hỗ trợ các chức danh tư pháp hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như hỗ trợ về thực hiện quyền hành nghề của Luật sư, phát triển đội ngũ luật sư chất lượng cao.

Cùng với đó là việc hỗ trợ các chức danh tư pháp hoạt động hiệu quả và nhất là phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng các đạo luật.

Khẳng định Chính phủ có vai trò quan trọng trong công tác CCTP, GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ: Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, nên việc đầu vào xây dựng chính sách, thể chế là nhiệm vụ quan trọng.Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án Luật ban ban hành chất lượng còn yếu, là do trách nhiệm các lãnh đạo Bộ, ngành chưa được đề cao, thậm chí có tình trạng “khoán trắng” dự án Luật cho các cơ quan thực hiện…

“Nếu không có chính sách tốt thì Tòa án áp dụng rất khó khăn, làm sao có thể bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, ông Đường nêu.

PGS.TS Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TAND tối cao cho hay, thời gian qua TAND tối cao đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống Tòa án. Trong thời gian tới, khi tiến hành xây dựng Tòa án điện tử, sẽ cần nguồn ngân sách và cơ sở vật chất lớn nên đại diện TAND tối cao đề nghị ưu tiên quan tâm, đầu tư về nguồn ngân sách cần thiết, có lộ trình để xây dựng Tòa án điện tử…/.

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN