Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi vậy, cần có định hướng phát triển hoạt động SHTT cả ở Trung ương và địa phương năm 2022 và các năm tiếp theo.
Ngày 17/3, tại TP Bắc Giang, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2022.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:BL |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực tiễn cho thấy sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – cuộc cách mạng dựa trên sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới như hiện nay.
Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm xây dựng và phát triển được một số ngành kinh tế thâm dụng tài sản trí tuệ.
Quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Để hoạt động này ngày càng có hiệu quả và phát huy vai trò thì việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và định hướng phát triển cho những năm tiếp theo là việc làm hết sức cần thiết.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả trung ương và địa phương đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Từ đó đưa ra định hướng phát triển hoạt động SHTT cả ở Trung ương và địa phương năm 2022 và các năm tiếp theo.
“Với nội dung cần thiết, sát thực, tôi tin rằng tại diễn đàn này, các đại biểu đại diện cho các địa phương, các Bộ, ngành, đại diện cho giới nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ trao đổi để đưa ra những sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về SHTT, cũng như chia sẻ kinh nghiệm thành công trong công tác phát triển tài sản trí tuệ của địa phương”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng Theo Bộ trưởng, qua Hội nghị này Bộ KH&CN sẽ có những luận cứ xác thực để giải trình những vấn đề sửa đổi trong Luật SHTT, qua đó sẽ hoàn thiện trình Quốc hội ban hành trong thời gian tới, cũng như có những định hướng đúng đắn trong công tác chỉ đạo thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2030.
“Những thành tựu đã đạt được, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc thiết lập những cơ chế, chính sách có liên quan lĩnh vực SHTT sẽ tạo ra bước phát triển mới, có tính đột phá, nhằm thực hiện tốt Chiến lược SHTT quốc gia, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2022-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2022-2025 được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:BL |
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết: Từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua có thể nói hoạt động SHTT đóng vai trò tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội. Đơn cử, trong lĩnh vực công nghệ cao, Bắc Giang là nơi ra đời của nhiều sản phẩm công nghệ nổi tiếng như: Đồng hồ đeo tay - Apple Watch, UAV - máy bay không người lái, tai nghe không dây, pin năng lượng mặt trời…
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh.
Nhiều sản phẩm của tỉnh được bảo hộ thành công tại nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Úc... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã có 2.288 đơn đăng ký và được Cục SHTT cấp 1.180 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ – được xem là nhiều nhất cả nước.
“Chúng tôi tin rằng không thể có các sản phẩm công nghệ cao được làm ra tại Bắc Giang hoặc mang thương hiệu Bắc Giang như nêu trên nếu tỉnh không tôn trọng và thực thi nghiêm túc các hoạt động SHTT. Việc tôn trọng quyền SHTT hay nói cách khác là tôn trọng chất xám, tôn trọng kết tinh lao động, tôn trọng sự sáng tạo của người lao động trong và ngoài Bắc Giang chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cho tỉnh nhà”, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, vẫn còn những khó khăn thách thức cần giải quyết. Bởi vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các hoạt động SHTT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Theo TS Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý quốc gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, để thúc đẩy hoạt động SHTT cần tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực SHTT; xây dựng hệ thống tư vấn về phát triển SHTT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với Chương trình OCOP. Đồng thời, phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP gắn với khai thác tài sản SHTT…
Tại Hội nghị các đại biểu cũng chia sẻ các giải pháp về phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa mục tiêu phát triển các dự án về tài sản SHTT; khai thác và quản lý các tài sản SHTT địa phương…/.