Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao chất lượng công tác dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng

Thứ Năm, 22/12/2022 14:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, trong năm 2023, sẽ tăng cường, nâng cao chất lượng công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng, tập trung vào các cây trồng chủ lực, có giá trị xuất khẩu và có nguy cơ cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm như: rau, hồ tiêu, thanh long, xoài, nhãn, vải,…

Tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng
(Ảnh minh họa: B.T)

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời tiết năm 2022 vẫn có nhiều diễn biến bất thường. Tại các tỉnh phía Bắc, đầu vụ Đông Xuân chịu ảnh hưởng của nhiều đợt không khí lạnh, thời gian rét đậm kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giữa và cuối vụ điều kiện thời tiết bất thuận gây ngập úng và tạo điều kiện cho một số dịch hại cuối vụ như bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh lem lép hạt phát sinh gây hại mạnh trên lúa.

Thời tiết vụ Hè Thu, Thu Đông tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và phía Nam mưa nhiều và nắng nóng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả phát sinh gây hại tăng như: rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá; bệnh đốm nâu hại thanh long,…

Cụ thể, trên cây lúa, hầu hết các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu như: sâu năn, rầy nâu rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh vàng lá chín sớm,…Các sinh vật gây hại chính có diện tích nhiễm giảm so năm 2021. Trong khi đó, các sinh vật gây hại khác như: lúa cỏ phát sinh, lây lan và gây hại mạnh ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

Cũng theo Cục Bảo vệ Thực vật, năm 2022, hầu hết các đối tượng gây hại trên cây rau màu, cây ăn quả và cây công nghiệp đều có xu hướng giảm so với năm 2021. Tuy nhiên các đối tượng gây hại trên cây lâm nghiệp có xu hướng tăng.

Trong năm 2022, ngành Bảo vệ thực vật từ Trung ương tới địa phương đã tổ chức nhiều đoàn, cử nhiều lượt cán bộ đến các cơ sở sản xuất của hầu hết các tỉnh để nắm tình hình sản xuất, sinh vật gây hại với số lần đi bình quân 1,5 lượt/tỉnh/vụ, giúp các cơ sở nhận định và dự tính khả năng sinh vật gây hại trong thời gian tới, đưa ra các biện pháp phù hợp, hiệu quả.

Lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật đã trực tiếp đi kiểm tra việc phòng trừ sâu bệnh tại các tỉnh trọng điểm như: Lào Cai, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk,.... Nhờ vậy, việc phòng trừ dịch hại nói chung, bệnh đạo ôn, rệp sơ trắng hại mía,... nói riêng đạt kết quả tốt, góp phần giảm tác hại tới mức thấp nhất.

Tại các địa phương đã tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng như: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)… tại các tỉnh phía Bắc; 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, công nghệ sinh thái tại các tỉnh miền Trung và phía Nam; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học trên các loại cây trồng nhằm giảm mức độ gây hại của các sinh vật gây hại.

Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, trong năm 2023, sẽ tăng cường, nâng cao chất lượng công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng, tập trung vào các cây trồng chủ lực, có giá trị xuất khẩu và có nguy cơ cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm như: rau, hồ tiêu, thanh long, xoài, nhãn, vải, cam quýt…; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống sinh vật gây hại nhằm kiểm soát hiệu quả đối với sinh vật gây hại trên lúa; phòng trừ sinh vật gây hại trên các cây trồng có giá trị xuất khẩu và có nguy cơ cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm; đẩy mạnh triển khai Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất./.

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN