Nâng cao an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc Khu vực phía Bắc
(ĐCSVN) - Hội nghị tập huấn công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên hệ thống đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc năm 2019 có tới gần 20 bài tham luận, trong đó tập trung vào thực tế, giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo sát hạch lái xe,…nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT).
Hình ảnh tại Hội nghị tập huấn.
Ngày 22/11, tại Bắc Ninh, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bảo đảm trật tự An toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc.
Còn TNGT xảy ra trên các tuyến đường bộ cao tốc
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đến từ các Sở GTVT phía Bắc, các Cục Quản lý đường bộ, các nhà đầu tư, các công ty sản xuất ô tô, doanh nghiệp thi công hệ thống an toàn giao thông sẽ trao đổi bằng các bài tham luận có giá trị thực tiễn cao, chia sẻ từ thực tế để từng bước kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông nói chung, TNGT trên các tuyến cao tốc nói riêng.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, hiện nay mạng lưới đường bộ cao tốc ở Việt Nam đã đưa vào khai thác sử dụng là 16 tuyến đường với tổng số 977km; nếu tính cả tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64km vừa thông xe kỹ thuật thì nước ta đã có gần 1.041 Km. Điều này góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng miền địa phương, tạo động lực phát triển.
“Tuy nhiên, trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc, đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người”, ông Nguyễn Văn Thạch nói đồng thời cho biết thêm, hiện tượng xe khách, xe tải bị cháy, nổ lốp, đâm, va chạm trên các tuyến đường cao tốc còn xảy ra; vẫn còn tình trạng dừng, đỗ đón trả khách trên cao tốc, lùi xe và đi xe ngược chiều trên các tuyến cao tốc, có hiện tượng ném đất đá vào xe ô tô đang lưu thông trên tuyến. Một số tuyến cao tốc chưa được thẩm tra, thẩm định an toàn trong quá trình khai thác lên chưa xử lý kịp thời các hư hỏng của mặt đường.
Ngoài ra, quá trình học lái xe của các học viên chưa được tiếp cận nhiều với tổ chức giao thông thực tế trên tuyến cao tốc do vậy khi học viên có bằng lái xe tham gia giao thông còn gặp bỡ ngỡ, lúng túng. Hiện tượng xe quá tải tham gia giao thông trên cao tốc; hệ thống ITS trên các tuyến chưa đồng bộ, chưa kết nối mạng…
Tổ chức giao thông tốt mới kiềm chế được tai nạn
Tại Hội nghị, các tham luận tập trung vào thực tế, giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo sát hạch lái xe; về tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc phía Bắc cũng như nhiều kiến nghị tới cơ chế, chính sách…nhằm giảm thiểu TNGT trên các tuyến cao tốc nói riêng và hệ thống giao thông nói chung.
Đại biểu tham luận tại Hội nghị. |
Xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe, ông Trần Văn Toản - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tai nạn hiện nay là do yếu tố cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và ý thức của người tham gia giao thông.
Theo ông Trần Văn Toản, thông qua việc nhận định các yếu tố gây nên tai nạn giao thông bao gồm: yếu tố chủ quan (con người, phương tiện, cơ sở hạ tầng) và yếu tố khách quan (thời tiết, thiên tai...). Kết hợp với số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát năm 2016, ông Toản đã chỉ ra rằng: với cùng điều kiện về phương tiện, con người thì tỷ lệ tai nạn trên đường cao tốc và đường cấp 1 chỉ chiếm khoảng 4% (biểu đồ số 01). Do đó, có thể khẳng định yếu tố cơ sở hạ tầng và cách thức tổ chức giao thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, hiện tại phương tiện giao thông chủ yếu tại đất nước của chúng ta vẫn là xe máy. Điều này có thể khẳng định rằng kỹ năng lái xe mô tô của chúng ta không hề yếu nhưng tỷ lệ tai nạn do xe máy gây ra lại chiếm khoảng 67%.
Mặt khác, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian gần đây chủ yếu liên quan đến xe khách, xe container….mà hầu hết các lái xe này đều có thâm niên hàng chục năm qua đó, thêm một lần nữa khẳng định các lái xe này đều có kỹ năng lái xe tốt.
“Thay vì nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan thì hầu hết dư luận lại quay sang đổ lỗi cho chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Có chăng, trước mắt khi chưa thể đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng thì chúng ta nên tìm giải pháp tổ chức giao thông khoa học, có chế tài xử lý vi phạm giao thông khách quan qua công nghệ ghi âm, ghi hình trực tiếp”, Chủ tịch HĐQT Trung tâm sát hạch đào tạo lái xe Đông Đô nêu ý kiến.
Nói về công tác đào tạo sát hạch lái xe, Chủ tịch Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô khẳng định, tại Việt Nam, từ năm 2005 đã áp dụng hình thức sát hạch lý thuyết trên máy vi tính và sát hạch kỹ năng lái xe theo phương pháp chấm điểm tự động, có thiết bị giám sát ghi hình trực tiếp, lưu trữ lâu dài tương tự như Hàn Quốc và các nước trong khu vực. Chất lượng đầu ra khách quan, đáp ứng kỹ năng lái xe căn bản khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, vào năm 2017 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã mời đơn vị tư vấn đào tạo lái xe VICROADS của Úc để thực hiện khảo sát, đánh giá về chương trình đào tạo lái xe tại Việt Nam.
Cùng quan điểm với Chủ tịch Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Đông Đô, nhiều “ông chủ trường lái” cũng đặc biệt quan tâm tới các Văn bản Quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt là Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ban ngày 08/10/2019 thay thế Thông tư 12/2017/TT-BGTVT sắp có hiệu lực vào ngày 01/12/2019. Theo đó, các đơn vị đào tạo và sát hạch lái xe trên cả nước sẽ phải trang bị thêm các công cụ phục vụ công việc đào tạo và sát hạch lái xe đó là: phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin điện tử học lái xe.
Theo ý kiến tại Hội nghị, nhiều đại diện các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe khẳng định quy định này của Thông tư là rất đúng trong điều kiện hiện nay nhằm trang bị những kỹ năng và tình huống không có trong quá trình đào tạo hay bài sát hạch nhưng hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế để tránh hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu hệ thống cabin này được trang bị lại, trang bị trước cho các Trung tâm đào tạo của nhà nước, sau đó có tổng kết hiệu quả rồi nhân rộng trong toàn quốc thì sẽ hiệu quả hơn./.