Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nạn “lạm thu” và nỗi niềm của các bậc phụ huynh

Thứ Bảy, 15/10/2016 15:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm học mới 2016-2017 đã bắt đầu được hơn 1 tháng nay. Mặc dù Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp, nhưng tình trạng tình trạng lạm thu đầu năm học mới vẫn chưa được khắc phục.


Quy định rõ các khoản chi sẽ hạn chế tình trạng lạm thu đầu năm. Ảnh: TL

Có thể thấy đây thực sự là vấn đề “nóng” mỗi dịp năm học mới. Điển hình như theo nội dung phản ánh của một số báo liên quan tới các khoản thu đầu năm của một số trường học trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Trong đó, tại Trường THCS Phan Huy Chú ngay đầu năm học 2016 – 2017, học sinh phải đóng 14 khoản tiền các loại. Bên cạnh tiền học phí, xây dựng, tiền bảo hiểm, quỹ lớp, quỹ đội, quần áo đồng phục… thì học sinh còn phải đóng thêm các khoản như: Tiền phô tô giấy kiểm tra 50.000; tiền bảo hành máy tính 50.000; tiền gửi xe đạp thường 55.000/năm, xe đạp điện 72.000/năm; tiền duy tu, bảo dưỡng máy lọc nước 20.000; tiền sổ liên lạc điện tử 60.000; tiền học thêm 1.200.000; tiền lao động phụ huynh 50.000;  tiền lao động học sinh 90.000; tiền ri đô cho học sinh lớp 6 là 50.000; tiền quỹ hội phụ huynh trường 80.000, tiền quỹ phụ huynh lớp 150.000. Tổng cộng các khoản thu, trung bình mỗi học sinh phải nộp gần 4 triệu vào đầu năm học mới. Hay tại Trường Mầm non Tượng Sơn (huyện Thạch Hà), vào đầu năm học mỗi cháu cũng phải đóng nộp hơn 2 triệu đồng chưa kể tiền ăn hàng tháng. Cụ thể như: Tiền bồi dưỡng trẻ bán trú 300.000; tiền mua đồ dùng phục vụ cho trẻ 150.000; tiền mua dụng cụ vệ sinh 150.000, đồ dùng học tập từ 160.000 đến 340.000 tùy theo độ tuổi; tiền lễ tết 60.000, tiền tu sửa nhỏ 500.000, tiền trả cô nuôi 300.000, tiền bồi dưỡng trực ngoài giờ 300.000, tiền nợ cũ 70.000…


Phiếu thu đầu năm ngày 26/8 của trường MN Tượng Sơn. Ảnh: hatinh24h.com.vn

Không khó để kể ra hàng loạt vụ việc liên quan đến tình trạng các trường học đưa ra những khoản thu phi lý đầu năm học 2016 – 2017 khiến cho phụ huynh học sinh bức xúc. Mới đây một số báo chí đã phản ánh, tại Trường tiểu học Đông Vệ 2, xã Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa với 17 khoản thu khác nhau, bình quân mỗi học sinh Trường tiểu học Đông Vệ 2 phải đóng góp số tiền gần 5 triệu đồng. Trong đó, theo ý kiến của phụ huynh thì có một số khoản đóng góp khá vô lý như tiền phông rạp 150.000đ; thiết bị vệ sinh, tưới cây 165.000; hoạt động ngoại khóa 50.000; bảo trì máy tính 90.000… Được biết, hiện nay Trường tiểu học Đông Vệ 2 có tổng số 620 học sinh. Nếu nhân số tiền phải đóng với số học sinh thì tổng số tiền thu đầu năm của nhà trường này đã lên tới vài tỷ đồng. Điều đáng nói là lãnh đạo Trường tiểu học Đông Vệ 2 cho rằng, hầu hết các khoản thu này đều do “phụ huynh tự bàn và tự nguyện hỗ trợ, nhà trường không bắt buộc”.

Mới đây, qua tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội), trong cái gọi là “Biên bản thỏa thuận các khoản thu phục vụ công tác dạy và học năm học 2016 – 2017”, trường này đã đưa ra khá nhiều khoản thu trùng lặp. Một phụ huynh học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Tả Thanh Oai cho biết: “Đã tiền học 2 buổi/ngày rồi lại còn thu khoản ngoài giờ, kỹ năng sống. Đã đóng tiền ăn bán trú 20.000 đồng/bữa lại còn thu tiền phục vụ bán trú 120.000 đồng/HS/tháng”… Ngoài ra còn các khoản như Quỹ xã hội hóa, Quỹ hội cha mẹ học sinh… thì Biên bản ghi là “tự nguyện” nhưng không nêu rõ mức thu là bao nhiêu?.


Biên bản thỏa thuận các khoản thu đầu năm học của một trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: TL
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, tình trạng lạm thu đang diễn ra ở nhiều cấp học, bậc học song chủ yếu tập trung và nặng nhất thường là ở các lớp học đầu cấp. Lạm thu không chỉ diễn ra ở các thành phố, đô thị mà “căn bệnh” này đã dần lây lan về các trường học ở khu vực nông thôn. Và dù ở đâu, thì việc lạm thu cũng núp dưới danh nghĩa là do phụ huynh “tự nguyện”. Nhiều trường còn cẩn thận hơn khi đề nghị phụ huynh học sinh ký vào những “văn bản tự nguyện”, “biên bản thỏa thuận” đã được đánh máy và phô tô sẵn. Phụ huynh nhiều người dẫu rất bức xúc về những khoản thu vô lý hoặc mức thu quá cao nhưng nếu nêu ý kiến trái chiều thì rất có thể là đồng nghĩa với việc nhận về những phiền toái cho con em mình trong suốt năm học.

Chia sẻ về mối lo này trước thềm năm học mới, anh Phạm Anh Tuấn (ở Định Công, quận Hoàng Mai) có con học lớp 6 cho hay: “Hầu như trong cuộc họp phụ huynh nào đầu năm, chúng tôi đều nhận được thông báo về các khoản đóng góp trang trí, mua sắm thiết bị đồ dùng học tập và đặt mua đồng phục tại trường... Biết bao nhiêu khoản phải chi tiêu, đã vậy, Ban phụ huynh lớp cũng đang rục rịch hô hào phụ huynh đóng góp mua điều hòa, máy chiếu, trang trí lớp học cho sinh động. Biết là con vào đầu cấp sẽ tốn kém, nhưng gia đình tôi không dư dả gì mà các khoản được chi nhiều cái không cần thiết...”.

Chị Nguyễn Thị Minh (45 tuổi) ở Hoài Đức (Hà Nội), hiện đang ở trọ tại quận Thanh Xuân bán hàng ở chợ đầu mối kể: “Tiền đóng học đầu năm của hai đứa nhà chị hết gần 8 triệu đồng, chưa kể tiền quần áo, dụng cụ học tập… Vợ chồng mưu sinh đi chợ ở đây 5 năm rồi nhưng năm nào cũng đến thời điểm này là nỗi lo về tiền bạc lại tăng lên gấp bội”.

Tuy nhiên, dù biết là vô lý nhưng phần lớn các bậc phụ huynh đều chọn phương án “ngậm ngùi” đồng ý và “tự nguyện” đóng đầy đủ các khoản theo dự kiến thu đầu năm học của các trường. Nhiều gia đình phải vay mượn để đóng đủ cho con theo học...

Tình trạng lạm thu đầu năm học đang trở thành nỗi “ám ảnh” đối với nhiều bậc phụ huynh học sinh mỗi dịp năm học mới bắt đầu. Cho dù hàng năm, các cơ quan quản lý giáo dục đều có văn bản quy định về các khoản thu bắt buộc, thu hộ, thu tự nguyện song xem ra hiệu quả thực hiện ở một số trường chưa được như mong muốn.

Thiết nghĩ, để các bậc phụ huynh học sinh không còn bức xúc trước những khoản đóng góp tự nguyện đầu năm học, lãnh đạo các trường học cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những khoản thu cụ thể; đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thu, chi ở các trường học để mỗi đồng tiền đóng góp của phụ huynh học sinh thực sự góp phần nâng cao chất lượng dạy và học./.

Thùy Linh-Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN