Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nan giải xử lý, cơ cấu lại nợ xấu ngân hàng

Thứ Hai, 07/08/2023 12:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Gần đây, trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc cho thấy tình trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng là rất đáng lo ngại. Thực tế, không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo lại khá gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để.

Ảnh minh hoạ: M.P

Thực tế, dù đã rất cố gắng song trong thời gian gần đây, hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có chiều hướng xấu đi, do thị trường bất động sản (BĐS) “đóng băng” và phần lớn khách hàng doanh nghiệp thiếu đầu ra.  Với nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ đối mặt rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao. Trong khi đây là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay tại các ngân hàng.

Đơn cử,  Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 638 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 23% kế hoạch cả năm. Theo lý giải của đại diện ABBank, lợi nhuận giảm là do nợ xấu tăng, dẫn tới Ngân hàng phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank tính đến cuối quý II/2023 là 2,86%, song các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ABBank đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước (216 tỷ đồng). Nợ xấu của Ngân hàng tăng 65,1%, lên 5.656 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng ở cả ba nhóm nợ. Riêng tỷ lệ nợ xấu trong quý II/2023 là 2,27%, tăng so với mức 1,49% cuối năm 2022.

Trong khi đó, nợ xấu của  Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã tăng 65% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên mức 5.656 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 80%, lên 2.438 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,46% cuối quý II/2023 lên 2,23% cuối quý II/2023; tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 142,1% xuống 78,5%.

Cũng trong cảnh tương tự, chất lượng nợ vay của Saigonbank suy giảm trong nửa đầu năm 2023 khi tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,12% lên 2,3%.

Tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho vay khách hàng của PG Bank tăng 4% so với đầu năm nay, nhưng tổng nợ xấu tăng 13%, lên hơn 839 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là nhóm tăng mạnh, còn nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhưng chiếm tới 66% trong tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,77%.

Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) tăng 32% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 316%, lên 175 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,55% lên 0,7%. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu là 158%, giảm so với mức 204% cuối năm 2022.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng đang được kiềm chế, nhưng có thể tăng thêm trong năm 2024 và có sự phân hóa rõ nét. Với nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản (BĐS) và TPDN cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ đối mặt rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao.

Thực tế hiện nay, các ngân hàng được tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, song nhiều ngân hàng không mặn mà giãn, hoãn nợ. Một số ngân hàng lớn như: Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giãn, hoãn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cho khách hàng, nhưng không ít doanh nghiệp, người dân làm đơn yêu cầu được giãn, hoãn nợ và bị ngân hàng từ chối vì… chất luợng tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp không đủ điều kiện.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay. Trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc. Minh chứng là mới đây, ngày 28/6, VietinBank thông báo bán 556 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ với tổng giá trị gần 12 tỷ đồng. Cùng ngày, VietinBank cũng phát thông báo đấu giá lần thứ 4 khoản nợ của Công ty CP Nosco Shipyard với giá khởi điểm hơn 2.302 tỷ đồng, giảm… gần 600 tỷ đồng so lần rao bán trước.

Tương tự, BIDV cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Nhà máy Xi-măng lò quay Áng Sơn (Quảng Bình) với giá 191 tỷ đồng, nợ của Công ty CP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên với giá 111 tỷ đồng. Trước đó, BIDV đã hạ giá một loạt khoản nợ sau nhiều lần bán đấu giá không có người mua. Cụ thể, Ngân hàng rao bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm với giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng (nợ gốc và lãi gần 600 tỷ đồng), rao bán nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng (tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 5/2023 là… 1.016 tỷ đồng).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo ngại. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ. Nhiều ngân hàng TMCP cho hay, thị trường BĐS “đóng băng” đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác xử lý nợ của ngân hàng, trong khi nợ xấu tăng lên rất nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng.

Không chỉ vậy, theo phản ánh từ phía ngân hàng, một số ngân hàng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp “bỗng dưng bốc hơi” do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu. Cụ thể, gần đây, việc khách hàng vay vốn đã thế chấp tài sản đảm bảo, song sau đó tranh chấp với chủ sở hữu cũ tăng lên chóng mặt, khiến ngân hàng không thể thu hồi nợ. Các ngân hàng nghi ngờ, tình trạng này xảy ra do khách hàng sử dụng “chiêu trò” để ngân hàng không thể thu giữ tài sản đảm bảo, trốn tránh trả nợ ngân hàng. Nhiều trường hợp khi vay vốn ngân hàng, bố mẹ ký vào hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng con cái không ký. Đến khi quá hạn trả nợ, ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, thì người trong gia đình lại tranh chấp, kiện tụng, các con đòi chia tài sản… Hoặc có trường hợp con bịa chữ ký của mẹ để vay vốn, khi ngân hàng thu hồi nợ mới phát hiện ra, khi đó hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu, ngân hàng mất trắng tài sản thế chấp, có nguy cơ không đòi được nợ.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch, thì giao dịch đó không bị vô hiệu” (Điều 133). Tuy nhiên, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 2/8/2021 của Tòa án Nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật khi giải quyết các vụ án hình sự, dân sự lại không xác định ngân hàng là người thứ ba ngay tình trong trường hợp người vay sử dụng tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng nhưng có tranh chấp với chủ cũ. Trong trường hợp có người khai bất lợi cho các tổ chức tín dụng và có đơn yêu cầu, thì khả năng cao tòa tuyên vô hiệu.

Theo các ngân hàng, Công văn số 02/TANDTC-PC là nguyên nhân khiến ngân hàng rất khó thu hồi tài sản đảm bảo, xử lý nợ. Riêng tại Ngân hàng ACB, thời gian qua đã phát sinh hơn 100 vụ án có liên quan đến tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, các bên tặng cho, tài sản thế chấp bán vi bằng cho người khác, tranh chấp hủy hợp đồng chuyển nhượng do chủ cũ vay tiền của chủ sở hữu mới…

Thực tế, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo thông tin từ đại diện của nhiều ngân hàng, nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu của ngân hàng, khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên vô hiệu. Trong các trường hợp có tranh chấp như trên, Tòa án yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản để chứng minh việc chủ sở hữu cũ biết việc thế chấp tài sản. Tuy vậy, yêu cầu này là vô lý, vì pháp luật cho phép tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay, tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, không bắt buộc tổ chức tín dụng phải thẩm định tài sản. Hơn nữa, pháp luật cũng không quy định bắt buộc tổ chức tín dụng khi thẩm định tài sản phải xác định mối quan hệ giữa người đang thực tế quản lý, sử dụng tài sản với chủ sở hữu tài sản có tên trên giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu. Công văn số 02/TANDTC-PC đã tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Vì vậy, Tòa án Nhân dân tối cao cần sớm có giải pháp tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng.

Có thể thấy rõ, diễn biến của chất lượng tài sản sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập năm 2023 của các ngân hàng và lợi nhuận khó đột biến. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng chủ yếu đến từ việc lãi suất tăng cao đi kèm với tình hình kinh doanh của khách hàng kém khả quan.

Nhiều chuyên gia kinh tế có chung quan điểm, hiện tỷ lệ nợ xấu mở rộng phần nào cho thấy… nợ xấu chưa đạt đỉnh. Nhưng các biện pháp điều hành linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước trong việc cắt giảm lãi suất, cũng như những điều chỉnh tạm thời đối với quy định ghi nhận nợ xấu sẽ giảm áp lực phát sinh nợ xấu mới. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP hỗ trợ gia hạn TPDN và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay. Tuy nhiên, hoạt động xử lý nợ xấu có thể tiếp tục gặp khó khăn do thị trường BĐS “đóng băng”, trong khi BĐS là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. Nợ xấu của ngành ngân hàng được dự báo có thể sẽ “đạt đỉnh” vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Tuy nhiên, bức tranh triển vọng ngành ngân hàng không phải toàn màu xám. Việc cắt giảm lãi suất và ổn định tỷ giá hối đoái được kỳ vọng tạo ra lợi nhuận trong các hoạt động mua bán ngoại hối và các loại trái phiếu nói chung của các ngân hàng. Một loạt giải pháp chính sách được Chính phủ đưa ra nhằm gỡ khó cho thị trường TPDN cũng được kỳ vọng có thể tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho các nhà tạo lập thị trường lớn như TCB, VPB, MBB, TPB… Quan trọng nhất, thị trường kỳ vọng một loạt chính sách được đảo chiều trong quý 1 và quý 2 của năm 2023 sẽ được nền kinh tế hấp thụ trong nửa cuối năm, qua đó đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng tái cấu trúc dư nợ (tiêu dùng và sản xuất); tái cấu trúc thời hạn trả nợ lên đến 12 tháng; cho phép ngân hàng thương mại trích lập dần trong năm 2023 và 2024.

Các ngân hàng cũng đã gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trích gần 1.342 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm 2023, gấp 2 lần cùng kỳ. Riêng quý II/2023, Ngân hàng dùng 807 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 93% so với cùng kỳ, do đó lãi trước thuế quý II năm nay còn 5.649 tỷ đồng, giảm 23%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến hết quý II/2023 là 115,8%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang tích cực bán các khoản nợ xấu với tài sản thế chấp lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trước bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng, việc Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng hết hiệu lực từ cuối năm 2023 đặt ra nhu cầu cấp thiết tiến tới xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, giúp ngân hàng khoanh nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng, cũng như duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3% như quy định pháp luật hiện hành.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN