Năm học mới ở Tây Nguyên trong bối cảnh dịch bệnh
(ĐCSVN) – Năm học mới 2021-2022 tại Tây Nguyên đã bắt đầu được 02 tuần, tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, các cấp chính quyền và ngành Giáo dục các địa phương trên địa bàn đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc triển khai công tác dạy và học.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều trường học ở Tây Nguyên phải học trực tuyến, song các trường vẫn chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất để sẵn sàng đón học sinh đến trường khi dịch bệnh được đẩy lùi. |
Ngay từ đầu năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tỉnh Tây Nguyên đã phải điều chỉnh kế hoạch tựu trường và cả hình thức giảng dạy cho học sinh các cấp trên địa bàn. Trong đó, 04 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông bắt đầu năm học mới từ ngày 6/9/2021, riêng tỉnh Lâm Đồng từ ngày 15/9/2021.
Theo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các tỉnh này, dịch bệnh bắt buộc các địa phương phải chủ động xây dựng phương án đào tạo, sắp xếp kế hoạch dạy và học phù hợp, đồng thời phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch là các nhiệm vụ đặt ra hết sức quan trọng ngay ở thềm năm học mới lần này.
Tại tỉnh Đắk Lắk, cô giáo Nguyễn Thị Thúy - Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Lan (huyện Krông Năng) cho biết, đây là năm học đầu tiên công tác tuyển sinh tại trường được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Theo đó, phụ huynh chỉ cần tải phần mềm tuyển sinh trên điện thoại thông minh, sau đó khai báo thông tin học sinh theo mẫu và gửi hồ sơ trực tuyến cho Nhà trường. Sự linh hoạt này vừa đảm bảo được nhu cầu tuyển sinh của Nhà trường, đồng thời đáp ứng được các quy định về phòng chống dịch bệnh, hạn chế đi lại của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
“Nhà trường thường xuyên phối hợp với cha mẹ học sinh thông qua các kênh như Facebook, Zalo… để đưa thông tin đến cho phụ huynh. Đồng thời, các thầy cô giáo cũng hướng dẫn giúp các cha mẹ học sinh nắm bắt đầy đủ các thông tin có liên quan đến kế hoạch, thời gian và điều kiện học tập, điều kiện phòng chống dịch đối với nhà trường và của con em mình, từ đó có sự yên tâm, tin tưởng khi đưa con đến lớp”- cô giáo Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.
Trong khi đó, tại trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (huyện Krông Năng), theo thầy giáo Lê Ngọc Hưng - Hiệu trưởng Nhà trường, ngay từ đầu năm học mới, Nhà trường đã phân công cán bộ y tế, cán bộ văn phòng làm vệ sinh sân trường, lớp học; đồng thời tiến hành phun khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị nước sát khuẩn để hướng dẫn học sinh vệ sinh phòng dịch trước khi vào lớp học. Trong quá trình học tập (kể cả học trực tuyến hay trực tiếp nếu có từ 02 học sinh trở lên, Trường cũng yêu cầu các em luôn đảm bảo thông điệp “5K”, nhất là khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Trước mắt trong 02 tuần đầu của năm học mới 2021-2022, hầu hết các trường học ở Tây Nguyên phải triển khai việc dạy và học trực tuyến |
Tại tỉnh Lâm Đồng, thời gian học tập của năm học mới chậm hơn (bắt đầu từ 15/9), song ngành GD&ĐT địa phương này cũng lên kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho giáo viên và học sinh trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động dạy và học.
Bà Nguyễn Thị Tịnh - một phụ huynh tại huyện Đam Rông cho biết: Trước diễn biến của dịch COVID-19, gia đình tôi cũng như nhiều phụ huynh khác hết sức lo lắng về dịch bệnh và sự an toàn của con em khi trở lại trường lớp. Tuy nhiên, qua thông tin từ Nhà trường và kết quả bước đầu của công tác phòng, chống dịch hiện nay, phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm và tin tưởng, mong muốn Nhà trường sẽ có kế hoạch chi tiết đảm bảo an toàn mọi hoạt động dạy và học trong năm học mới này.
Thông tin về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của lãnh đạo Nhà trường, cô giáo Phạm Thị Nguyên- Hiệu trưởng Tiểu học Liêng S’rônh (huyện Đam Rông), cho hay: Công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại Trường đã được chuẩn bị kỹ lưỡng chu đáo. Ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã mua các dụng cụ chống dịch như khẩu trang, sát khuẩn và chuẩn bị cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo cho năm học mới này. Trong đó, việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch gắn với chất lượng dạy và học được ưu tiên trên hết.
Cùng với những nỗ lực để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch cho giáo viên và học sinh, để cho năm học mới 2021-2022 diễn ra đảm bảo tiến độ về thời gian và chất lượng của năm học, thời gian qua ngành GD&ĐT các tỉnh Tây Nguyên cũng dành nhiều chú trọng cho công tác đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.
Theo Sở GD&ĐT các tỉnh Tây Nguyên, trong những năm qua, nhờ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước như: Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và các nguồn lực của địa phương… tại các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng ngàn trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông được xây dựng mới; hàng chục ngàn lớp học được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm nhiều trang thiết bị thiết yếu để phục vụ dạy và học ... với số tiền đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Riêng trong năm học mới 2021- 2022 này, để chuẩn bị cho năm học, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho ngành Giáo dục.
Thông tin về những nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trên địa bàn đến nay, ông Âu Văn Nghị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, huyện Đam Rông có tới 74% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, thời gian qua ngành Giáo dục địa phương đã được thụ hưởng nhiều chính sách của tỉnh, Trung ương cho giáo dục. Đặc biệt, các chương trình 30a, 135 của Chính phủ là những chương trình có nhiều dự án, nguồn vốn dành cho Giáo dục địa phương lớn, nhờ đó trong những năm qua mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện đã đáp ứng được yêu cầu, chất lượng học sinh không ngừng được nâng lên rõ rệt.
Ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 |
Có thể nói, với những đặc thù và điều kiện có nhiều khó khăn của Tây Nguyên nên lĩnh vực GD&ĐT luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, ngành chức năng ở các địa phương dành nhiều quan tâm. Nhờ đó mà đến nay, về cơ bản mạng lưới, quy mô trường lớp từ bậc mầm non đến trung học phổ thông ở các tỉnh Tây Nguyên đã được củng cố và phát triển, đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em đồng bào dân tộc trên địa bàn. Các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có các lớp mầm non; hầu hết các xã có trường tiểu học ở khu vực trung tâm và trường trung học cơ sở; các huyện đều có trường trung học phổ thông và trường dân tộc nội trú. Qua đó, đã tạo điều kiện cho hơn 1,5 triệu học sinh các cấp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được học trong những phòng học kiên cố, với đầy đủ trang thiết bị dạy và học.
Theo ghi nhận của ngành GD&ĐT các tỉnh Tây Nguyên, đến nay hầu hết các địa phương đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học- trung học cơ sở…, hàng ngàn trường học đã đạt chuẩn quốc gia, phần lớn số xã đạt tiêu chí số 5 về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả này đã góp phần hết sức quan trọng trong chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Tây Nguyên./.